Báo động mạnh: gia tăng số trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại

Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 17 ca tử vong nghi dại/do dại ở 13 tỉnh/thành phố, tăng 8 ca so với cùng kỳ 2023 (9 ca); Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng mới ghi nhận trong 2 ngày 20 – 21/2 có thêm 5 ca bệnh mới và 5 ca bổ sung tuần trước. Riêng tại Quảng Ninh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh cho biết, toàn tỉnh hiện ghi nhận 2 ổ chó dại tại Đầm Hà, tăng 2 ổ so với cùng kì năm 2023.

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Trẻ em chiếm 90% các trường hợp bị súc vật tấn công, trong đó, nhiều trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn rất thương tâm. Đáng chú ý, những trường hợp trên gây ra bởi chó nhà nuôi.

Điển hình như bé trai 7 tuổi (ở Bắc Giang), đi chúc Tết nhà bà ngoại bị chó (chưa được tiêm phòng dại) bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột. Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trẻ được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời.

Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi (ở Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi (chưa tiêm phòng bệnh dại) cắn, day vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu. Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Vân Đình, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vaccine phòng bệnh dại.

Còn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 2 ca mắc tại Hải Hà, Uông Bí đồng thời ghi nhận 11 ổ dại trên động vật. Tuy nhiên, bước qua năm 2024, chỉ mới chưa đầy 2 tháng đã ghi nhận 2 ổ chó dại tại Đầm Hà, tăng 2 ổ so với cùng kì năm 2023. Trong khi một vài tháng tới bước vào mùa nắng nóng, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại, khiến tình hình dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn. Do đó, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của mình.

Bệnh dại khi đã mắc, tỉ lệ tử vong là 100%, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại nhưng có thể phòng tránh được bằng tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại một số các quan niệm sai lầm về việc tiêm vắc xin dại sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sức khỏe và tự ý chữa bệnh bằng các phương pháp chưa được Bộ Y tế công nhận (tự ý bôi thuốc, đắp lá lên vết thương…) dẫn đến các trường hợp tử vong đáng tiếc, thương tâm.

CDC Quảng Ninh khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Không thả rông chó, mèo; Chó ra đường phải được đeo rọ mõm;
  • Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; Hạn chế tiếp xúc với chó lạ, chó hoang.
  • Không cho trẻ em chơi đùa một mình với chó. Dạy trẻ cách tiếp xúc và chơi đùa an toàn với chó.
  • Với những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm… cũng cần chích ngừa định kỳ.
  • Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để chích vaccine, huyết thanh kháng dại kịp thời. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật cắn, cào làm bị thương để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
  • Bất kỳ ai bị chó cắn đều cần được tiêm phòng dại, kể cả chó nhà. Việc tiêm phòng dại cần được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn.
  • Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự ý bôi thuốc, đắp lá lên vết thương, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại (Rhabdovirus) gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường thấy ở chó, mèo. Thời gian ủ bệnh từ 2 – 8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1 – 2 năm, tùy lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương.

Triệu chứng khởi đầu của bệnh này gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi… Bước vào giai đoạn viêm não thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió). Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động… Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Quỳnh Trang (CDC QN)