Sau rất nhiều năm không xuất hiện, vừa qua tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh bạch hầu. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết bệnh bạch hầu rất dễ lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi hay qua các giọt bắn rơi ra tay chân, quần áo… Đặc biệt, nhiều người lành mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
Ngày 4/5, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có kết quả xét nghiệm xác định, bệnh nhân S.T.L. (trú tại bản Háng Giống, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông) tử vong do dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheria (vi khuẩn bệnh bạch hầu). Trước đó, ngày 30/4, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trong tình trạng sốt cao 39 độ kèm các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, viêm phổi, tiên lượng nặng. Sau nhập viện khoảng 1 tiếng, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, suy hô hấp, viêm phổi nặng, phù phổi và tử vong sau 30 phút được thực hiện cấp cứu.

Trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu ở Điện Biên cảnh báo về sự “tái xuất” của bệnh bạch hầu – một căn bệnh đã được kiểm soát tốt bằng vắc xin trong thời gian qua nhưng hiện nay đang có nguy cơ quay trở lại, đặc biệt ở những “vùng lõm” tiêm chủng.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn chuyển đổi vắcxin năm 2018 và các tháng đầu 2020 do dịch COVID-19 đã làm tỉ lệ tiêm chủng nói chung, trong đó có tiêm chủng vắcxin có thành phần ngừa bạch hầu, giảm sút. Vì vậy người dân cần cảnh giác và nâng cao nhận thức về bệnh bạch hầu để biết cách phòng tránh, nhất là trong tình trạng thời tiết thay đổi thất thường, nhiều dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp như hiện nay.
Bộ Y tế khuyến cáo bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, dễ lây, tiến triển cấp tính và có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bạch hầu cũng có thể ảnh hưởng đến tim (gây suy tim và tử vong) và các dây thần kinh (gây tổn thương thần kinh bao gồm yếu và tê liệt chân tay).

Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu hiện nay là tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, người dân cần thực hiện tốt: rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Quỳnh Trang (CDC Quảng Ninh)