Lao hô hấp là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ hô hấp. Lao hô hấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ người bệnh.
Lao hô hấp thường gặp nhất là lao phổi, chiếm tới 80% các trường hợp bệnh lao, trong đó vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis là tác nhân chính gây bệnh. Vi khuẩn sẽ tấn công vào phổi của người bệnh và gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Bệnh lao hô hấp có nguy cơ lây truyền trong cộng đồng với tốc độ nhanh. Vi khuẩn có thể truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh qua nhiều con đường khác nhau. Ví dụ như qua đường hô hấp: người khỏe mạnh vô tình hít phải không khí có tồn tại vi khuẩn do bệnh nhân ho, khạc đờm, hắt hơi trước đó; hoặc qua việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như bàn chải đánh răng,… Trên thực tế, vi khuẩn gây bệnh lao phổi sau khi tấn công vào cơ thể người khỏe mạnh không gây bệnh ngay lập tức. Chúng sẽ rơi vào trạng thái ủ bệnh, phát triển âm thầm một thời gian, trong giai đoạn này người có hệ miễn dịch yếu, không chống chọi được với vi khuẩn sẽ mắc bệnh.
Lao hô hấp là bệnh lây truyền với tốc độ nhanh
Đây là căn bệnh có tốc độ lây truyền cao và mức độ nguy hiểm lớn. Điều này đã được chứng minh bởi con số thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO trong những năm trở lại đây. Cụ thể, theo báo cáo vào cuối tháng 10/2022 của WHO thì số ca lao phổi so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng 4.5%; số lượng người bị chẩn đoán lao phổi lên đến con số 10.6 triệu người và số lượng ca tử vong là 1.6 triệu. Tại Việt Nam thì con số là hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 ca tử vong. Có thể nói, lao phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người dân trên toàn thế giới.
Bất kỳ ai đều cũng có thể mắc bệnh lao hô hấp. Thế nhưng những yếu tố dưới đây là tác nhân gây ra nguy cơ cao mắc bệnh: Những người làm việc tại bệnh viện, các cơ sở y tế,… luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đúng cách; Những người sinh sống nơi có điều kiện sống thấp, mất vệ sinh, không đủ điều kiện y tế; Bệnh nhân ung thư, đái tháo đường, suy thận; Người có hệ thống miễn dịch yếu kém: người bị HIV; Những người nghiện bia rượu, thường xuyên hút thuốc lá, dùng ma túy,…
Nhìn chung, các biến chứng của bệnh lao phổi đều rất nghiêm trọng, trong đó khá nhiều người phải đối mặt với tình trạng tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi. Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ngực, khó thở, nếu bác sĩ không kịp thời phát hiện và cấp cứu thì người bệnh rất dễ rơi vào trạng thái ngạt thở, thậm chí là tử vong bất cứ lúc nào. Nhắc tới biến chứng của lao phổi, chúng ta không thể bỏ qua tình trạng phổi nhiễm nấm aspergillus, đây là nguyên nhân khiến người bệnh ho ra máu. Sau một thời gian, nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, người bệnh rất dễ tử vong. Ngoài ra, rò thành ngực cũng là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Nguyên nhân chính là do người bệnh sử dụng thuốc không đủ liều lượng, thời gian yêu cầu, hậu quả là tình trạng phế quản, thành ngực rò thông với nhau.
Thông thường vi khuẩn lao sẽ mất một thời gian phát triển trong cơ thể chúng ta rồi mới phát bệnh. Trong thời gian ủ bệnh, những người có hệ miễn dịch kém có khả năng cao mắc bệnh. Chính vì thế, người nhiễm HIV, người thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu bia hoặc thuốc lá cần thận trọng. Nếu không may bị vi khuẩn gây lao hô hấp tấn công, những đối tượng này có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Bên cạnh đó, môi trường sống, làm việc cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh lao hô hấp. Cụ thể, người sống trong môi trường ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Ngoài ra, các nhân viên y tế cũng cần chú ý bảo vệ sức khỏe, bởi vì môi trường làm việc của họ có nhiều bệnh nhân lao, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Một bệnh nhân từng điều trị lao chia sẻ, đây là căn bệnh rất khó điều trị, đa phần chỉ là điều trị triệu chứng bằng thuốc, bệnh có thể thuyên giảm nhưng việc tái phát lại rất cao. Và hiện bệnh nhân này đã điều trị bệnh Lao được trên 3 năm.
Nhìn chung, bệnh lao hô hấp có nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng, vì thế chúng ta cần chủ động phòng bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện nay vắc xin phòng ngừa lao phổi đã được nghiên cứu thành công và đưa vào sử dụng rộng rãi. Chúng ta nên đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong đó, trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém là đối tượng nên ưu tiên tiêm chủng.
Vi khuẩn lao có thể lây truyền từ người sang người, do đó các bạn nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc, trò chuyện cùng người mắc bệnh. Đặc biệt, bác sĩ khuyến cáo người khỏe mạnh tuyệt đối không dùng chung đồ cá nhân, ngủ chung phòng với bệnh nhân. Bởi vì vi khuẩn có thể tồn tại không không khí, dính vào các đồ dùng xung quanh người bệnh và âm thầm tấn công vào cơ thể của người khỏe mạnh.
Vệ sinh môi trường sống, môi trường làm việc sạch sẽ cũng hỗ trợ phòng bệnh lao hô hấp hiệu quả. Ngoài ra, các bạn đừng quên rửa tay cẩn thận trước khi ăn, sau mỗi lần đi vệ sinh Một cách để phòng bệnh lao phổi hiệu quả khác đó là cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể. Chúng ta có thể tăng cường hệ miễn dịch bằng cách duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh: rèn luyện thể thao, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Thanh Nga (CDC)