Bệnh viêm màng não mô cầu, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường xảy ra ở trẻ em. Triệu chứng bệnh thường khởi phát đột ngột, tiến triển nhanh chóng nên nhiều trường hợp cấp cứu chậm trễ, trẻ có thể tử vong hoặc gặp di chứng nặng nề.  Bệnh viêm màng não mô cầu hoàn toàn có thể điều trị được, nếu phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85 – 95%.

Bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra

  1. Nguyên nhân gây viêm màng não mô cầu

Viêm màng não mô cầu được gây ra bởi vi khuẩn não cầu Neisseria meningitidis, thường được gọi là meningococcus. Chủng vi khuẩn này thường xuất hiện ở dạng hai tế bào cạnh nhau, có dạng như hai hạt cà phê, gram (-), nằm trong bào tương của bạch cầu đa nhân. 

Vi khuẩn N.meningitidis được bao bọc bởi một lớp vỏ có chứa độc tố gây bệnh với tốc độ sản xuất nội độc tố cao gấp 100 lần, thậm chí là 1.000 lần so với các loại vi khuẩn khác. Do đó, khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sản sinh ra một lượng độc tố đậm đặc, theo máu di chuyển đến tim, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu và tạo áp lực lên mạch máu khắp cơ thể. Dần dần, các mạch máu này bắt đầu xuất hiện tình trạng xuất huyết, khiến phổi, thận và các cơ quan khác bị tổn thương. 

Mặc dù vi khuẩn gây viêm não mô cầu chỉ có thể sống khoảng 30 phút ở môi trường bên ngoài có nhiệt độ 56 độ C và chỉ sống trong 10 phút nếu nhiệt độ tăng lên 60 độ. Loại vi khuẩn này có thể tồn tại lâu hơn ở mức nhiệt độ thấp -20 độ C. Do đó, bệnh thường lây truyền trực tiếp từ người qua người và hiếm khi bệnh được lây truyền qua tiếp xúc với đồ vật.

Một nghiên cứu cho thấy, có thể có trên 25% người đã nhiễm loại vi khuẩn này nhưng không có biểu hiện lâm sàng điển hình và hơn 50% người mang vi khuẩn não mô cầu vẫn sinh hoạt khỏe mạnh bình thường. Đây chính là nguồn lây lan vi khuẩn gây viêm màng não ở trẻ do mô cầu phổ biến trong cộng đồng. Hầu hết, trẻ em có thể bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các giọt bắn từ mũi, họng của người đã bị nhiễm vi khuẩn khi bệnh nhân ho, hắt hơi hay nói chuyện. 

2. Triệu chứng và tiến triển của viêm màng não mô cầu

Khi nhiễm vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu, triệu chứng ban đầu thường là sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ C, có nhiều trường hợp sốt đến 41 độ C. Ngoài ra, có thể có 1 số triệu chứng giống với bệnh đường hô hấp đi kèm như đau cơ, mệt mỏi, đau họng, ho, rét run, nhức đầu, co giật,… Khi bệnh nặng hơn, trẻ sẽ có dấu hiệu co giật, mệt mỏi, li bì, bỏ bú, bỏ chơi,… 

Bệnh viêm màng não mô cầu cũng thường xảy ra vào mùa đông, triệu chứng bệnh tương tự cúm mùa nên các bậc phụ huynh rất dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên khác với cúm mùa, triệu chứng viêm màng não mô cầu nặng lên nhanh chóng, gia đình cần đưa trẻ đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Bên cạnh các triệu chứng toàn thân, viêm màng não mô cầu cũng gây triệu chứng trên da là những nốt tử ban hình sao sau 1 – 2 ngày sốt. Đây là các ban da hoại tử, màu xanh tím hoặc đỏ thẫm nổi bật trên da, đường kính từ 1 – 5mm, lan truyền rất nhanh. Các nốt tử ban có thể xuất hiện độc lập hoặc gộp thành đám, khiến cả vùng da hoại tử với bề mặt bằng phẳng.

Khi dấu hiệu tử ban da xuất hiện nhiều, đặc biệt tập trung vào vùng thân mình và chi dưới cho thấy trẻ đã gặp phải biến chứng nhiễm độc, nhiễm độc nặng do viêm màng não mô cầu. Lúc này cần can thiệp sớm bởi biến chứng nhiễm trùng huyết, suy đa tạng sẽ xuất hiện nhanh chóng có thể khiến trẻ tử vong trong vòng 24 giờ.

Dựa trên các triệu chứng bệnh đặc trưng như trên, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh viêm màng não mô cầu. Có thể thực hiện thêm các xét nghiệm đánh giá mức độ tiến triển bệnh để can thiệp kịp thời như: xét nghiệm máu, cấy máu, xét nghiệm dịch não tủy, nhuộm soi dịch hầu họng,…

Để ngăn chặn tiến triển bệnh cũng như nguy cơ biến chứng, bệnh nhân viêm màng não mô cầu sẽ cần được điều trị nhanh chóng với kháng sinh liều tiêm tĩnh mạch, sau đó có thể thay thế bằng thuốc uống khi bệnh có dấu hiệu được kiểm soát. Các trường hợp sốc nặng và biến chứng nguy hiểm, sẽ điều trị dựa trên biến chứng như: hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, hỗ trợ tim mạch, điều chỉnh cân bằng dịch điện giải,…

Viêm màng não mô cầu gây triệu chứng trên da là những nốt tử ban hình sao sau 1 – 2 ngày sốt

3. Con đường lây nhiễm của viêm não mô cầu

Trong các vụ dịch não mô cầu, có đến 25% người có biểu hiện bệnh không điển hình, 50% người có mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng. Đây là nguồn lây bệnh chủ yếu trong cộng đồng.

Viêm não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm sang mũi họng của người cảm nhiễm. Lây truyền bệnh qua đồ vật rất hiếm xảy ra

Thời kỳ lây bệnh của viêm màng não mô cầu tùy vào sự tồn tại của vi khuẩn ở vùng hầu họng của người nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể biến mất ở vùng họng sau điều trị kháng sinh 24 giờ.

4. Biến chứng bệnh viêm não mô cầu

Bệnh viêm màng não mô cầu nếu được điều trị tốt và kịp thời, tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 95%. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, điều trị muộn, người bệnh phải đối mặt với nhiều di chứng sức khỏe lâu dài.

Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển nhanh và nguy hiểm. Rất khó phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Tuy nhiên não mô cầu có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật trong vòng 24 giờ.

Nếu may mắn sống sót, người bệnh phải gánh chịu những di chứng nặng nề như cắt bỏ chi, ngón tay, ngón chân, tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận, bị các vấn đề về tâm lý.

5. Phòng ngừa viêm não mô cầu

Hiện nay, tại nước ta, việc tiêm phòng vacxin phòng viêm màng não do não mô cầu đã được triển khai rộng rãi với 3 typ thường gặp A, B và C. Sau khi được tiêm vacxin, trẻ sẽ có khả năng miễn dịch với với cả 3 thể vi khuẩn huyết thanh này. Mũi phòng bệnh viêm nào não mô cầu BC sẽ được tiêm khi trẻ đủ 6 tháng tuổi trở lên và mũi phòng bệnh AC sẽ được tiêm khi trẻ được 2 tuổi trở lên. Sau đó, trẻ sẽ tiêm thêm các mũi nhắc lại theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Hiện có 2 loại vacxin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu tuýp B, C và tuýp A, C, Y, W. Vacxin đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, mang lại hiệu quả phòng bệnh cao, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng viêm màng não. 

Bexsero (Ý) VA-Mengoc-BC (CuBa) Menactra (Mỹ)
Đối tượng

Chỉ định tiêm cho trẻ và người lớn từ 2 tháng tuổi đến 50 tuổi Chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên Chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên
Lịch tiêm Trẻ từ 2 tháng tuổi đến < 6 tháng tuổi có lịch tiêm 2 mũi cơ bản:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
Mũi nhắc được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng.
Trẻ từ tròn 6 tháng đến dưới 12 tháng tuổi có lịch tiêm 2 mũi cơ bản:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
Mũi nhắc được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và cách mũi 2 tối thiểu 2 tháng.
Trẻ từ tròn 1 tuổi đến dưới 2 tuổi có lịch tiêm 2 mũi cơ bản:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
Mũi nhắc được khuyến cáo cách mũi 2 tối thiểu 12 tháng.
Trẻ từ tròn 2 tuổi đến 50 tuổi có lịch tiêm 2 mũi cơ bản:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
Tiêm 2 mũi cách nhau 45 ngày Trẻ từ 9 tháng đến dưới 24 tháng: 2 liều cách nhau ít nhất 3 tháng
Trẻ em từ 2 tuổi trở lên: 1 liều duy nhất

Vắc xin Menactra (Mỹ) được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến 55 tuổi (trước sinh nhật lần thứ 56) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu các nhóm huyết thanh A,C,Y, W-135 gây ra.

Ngoài ra, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh nếu trẻ chưa được tiêm phòng vacxin phòng ngừa bệnh. Trong trường hợp trẻ đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh, cần thông báo cho bác sĩ và thực hiện phương pháp điều trị dự phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ cho trẻ ngay. Trên thực tế, trẻ vẫn có nguy cơ mắc viêm màng não mô cầu ngay khi đã tiêm chủng vacxin đầy đủ do hệ miễn dịch yếu, ở trường hợp này, bệnh thường diễn ra ở mức độ nhẹ hơn và ít xảy ra biến chứng hơn. 

Đồng thời, nên chú ý vệ sinh nhà ở và khu vực vui chơi của trẻ sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, ánh sáng và độ thông thoáng. Nếu trẻ đang sinh sống trong khu vực bùng phát bệnh, nên chú ý theo dõi các biểu hiện của trẻ nhằm phát hiện bệnh và có điều trị bệnh kịp thời, nhất là khi trẻ bắt đầu có biểu hiện viêm hầu họng, sốt. 

Khi thấy các triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu, đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất để được cách ly và can thiệp y tế kịp thời. Để điều trị, các bác sĩ có thể cho bé cách ly trong 24 giờ đầu tiên, tiêm tĩnh mạch thuốc kháng sinh trong vòng 5-7 ngày.

Ngoài ra, để quản lý các triệu chứng, bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp khác như dùng thuốc điều trị huyết áp thấp, phẫu thuật loại bỏ mô chết, chăm sóc vết thương cho các bộ phận cơ thể bị tổn thương. Một số ca bệnh có thể cần được đặt máy thở để hỗ trợ hô hấp.

Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh