Thừa cân, béo phì là thực trạng đang ngày càng đáng báo động ở trẻ em. Cuộc điều tra do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện cuối năm 2021 cho thấy số trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng hơn 2 lần trong 10 năm qua, đặc biệt tại khu vực thành thị. Nguy hiểm hơn, trẻ thừa cân nhưng không phải ai cũng đủ chất. Khảo sát cũng cho thấy, trẻ thành thị thừa 200% đạm, 130% béo những lại thiếu vitamin, thiếu vận động dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tuy vậy, nhiều phụ huynh vẫn chưa có sự nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng “nên có” so với chiều cao. Béo phì là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự tích luỹ mỡ thừa thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Đánh giá béo phì không chỉ tính đến cân nặng mà còn quan tâm đến tỷ lệ mỡ của cơ thể. Béo phì được coi là bệnh vì nó chính là yếu tố nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây và là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu như trước đây người thừa cân, béo phì chủ yếu ở độ tuổi từ 30 trở lên thì những năm gần đây, số người mắc bệnhh ngày càng trẻ hoá, thậm chí có nhiều trẻ chỉ mới 9-10 tuổi.

Khi lượng thức ăn nạp vào cơ thể quá nhiều và mất cân đối sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân thiếu kiểm soát ở trẻ. Trong đó, việc cung cấp dinh dưỡng quá mức mà thiếu sự cân đối là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này. Bác sĩ Trương Văn Thế – Khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: “Đối với trẻ béo phì có rất nhiều nguyên nhân, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Ví dụ ăn nhiều đồ chiên, rán, nước ngọt có ga đều có nguy cơ dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ. Thứ hai là các yếu tố liên quan đến chế độ sinh hoạt của trẻ. Hiện tại trẻ thường hay xem tivi, xem điện thoại dẫn đến việc ít hoạt động, kèm theo đó là các yếu tố về gia đình… Ngoài ra mốt số gia đình đã sử dụng cho các con thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc có thể chứa các thành phần không tốt cho trẻ, ví dụ như corticoit có thể khiến trẻ tăng cân mất kiểm soát do rối loạn một số nội tiết trong cơ thể.”
Thiếu kiến thức trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ của các bà mẹ được xem là vấn đề cốt lõi. Thực tế có rất nhiều bà mẹ có suy nghĩ đơn giản rằng con càng mập mạp, bụ bẫm càng khoẻ mạnh, hay có xu hướng “tẩm bổ” quá đà cho trẻ vì lo sợ con mình nhẹ cân, thiếu dinh dưỡng so với bạn bè đồng trang lứa, chế độ ăn thừa đạm, thừa béo nhưng thiếu xơ và vitamin khiến trẻ có xu hướng thừa cân, béo phì. Chị Mỹ Hương (35 tuổi, Hạ Long) cho biết con trai 7 tuổi đã tăng 4kg trong vòng chưa đầy 2 tháng do mấy tháng hè ở nhà ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán. Sau khi đi học, bé lười vận động hơn trước.

Tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì đang ngày một tăng nên rất cần sự quan tâm đúng mực của cha mẹ
Thừa cân, béo phì sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ tâm lý của trẻ, tự ti, ngại giao tiếp do bạn bè chế giễu, không muốn đi học. Dần dần các em sẽ trở nên thụ động, thiếu linh hoạt, cô đơn vì không có bạn, dễ dẫn đến trầm cảm. Bên cạnh đó, béo phì còn kéo theo sự xuất hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Thế cho biết: “Béo phì ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của trẻ em, trước hết béo phì gây rối loạn chuyển hoá đường và dẫn đến tình trạng đái tháo đường. Càng ngày sẽ càng gặp nhiều trường hợp trẻ bị đái tháo đường type 2. Tiếp theo là những vấn đề về tăng mỡ máu và tăng huyết áp ở trẻ. Khi mỡ máu tăng do không chuyển hoá được hết có thể tích tụ tại các cơ quan dẫn đến tăng huyết áp ở trẻ nhỏ. Béo phì còn gây tình trạng ngưng thở khi ngủ, đôi khi làm trẻ ngáy rất to, trẻ ngủ sâu giấc có thể gây tình trạng ngưng thở khi ngủ, đây là tình trạng rất nguy hiểm. Thứ 4 do lượng mỡ không kịp chuyển hoá sẽ tích tụ lại trong gan, lâu dần dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ.”
Do đó, đối với trẻ gặp tình trạng thừa cân, béo phì, cha mẹ nên chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp các hoạt động thể lực. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng khi trẻ gặp tình trạng béo phì càng sớm càng tốt. Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, quả chín ngọt, hạn chế các thực phẩm có đường, dầu mỡ, chất có gas, thức ăn nhanh… Duy trì bữa ăn hợp lý, nên cho trẻ ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để quá đói, vì nếu quá đói trẻ ăn nhiều ở các bữa sau sẽ gây tích luỹ mỡ nhanh hơn. Kết hợp khẩu phần ăn ít béo, uống nhiều nước lọc và ăn vừa không quá no. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng các sản phẩm giảm cân khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần tăng cường các hoạt động thể lực cho trẻ. Khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các trò chơi vận động, tập cho trẻ thói quen làm việc nhà. Hạn chế cho trẻ xem tivi, điện thoại… đều này làm cho trẻ ít hoạt động, ít tiêu hao năng lượng và nguy cơ mắc các bệnh về mắt rất cao.
Để trẻ phát triển cân đối, phụ huynh cần thường xuyên theo dõi tiến trình phát triển của con thông qua biểu đồ tăng trưởng, tham chiếu các thước đo để nhận biết tình trạng cân nặng của con và tuyệt đối không thờ ơ trước dấu hiệu thừa cân. Hậu quả của thừa cân, béo phì không đến ngay nên nhiều cha mẹ thường xem nhẹ tình trạng thừa cân, thậm chí có tâm lý chủ quan trẻ sẽ cân đối lại khi ở tuổi dậy thì. Hãy dự phòng thừa cân, béo phì cho trẻ ngay từ sớm để con phát triển cân đối, toàn diện và tránh được những hệ luỵ sức khoẻ khi trưởng thành.
Thanh Nga (CDC)