Đơn vị chủ quản: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh

Đơn vị chủ quản: Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh

Bị rắn cắn – Đắp thuốc nam hay đi bệnh viện? Lời khuyên từ bác sĩ!

Facebook
Skype
Email
Print

Tại Quảng Ninh – một tỉnh có nhiều khu vực đồi núi, rừng rậm và đất canh tác xen kẽ với tự nhiên – các tai nạn liên quan đến rắn cắn không phải là hiếm. Đặc biệt vào mùa hè, mùa mưa, rắn thường di chuyển nhiều khiến nguy cơ người dân bị cắn tăng cao. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lựa chọn tự xử trí tại nhà thay vì đến cơ sở y tế, dẫn đến hậu quả nặng nề.

Mới đây một bệnh nhân nam 53 tuổi, trú tại Quảng Yên (Quảng Ninh), đã đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng vùng cổ chân sưng tấy, nóng rát sau khi bị rắn cắn. Thay vì đến cơ sở y tế ngay từ đầu, bệnh nhân lại lựa chọn đắp thuốc nam tại nhà, khi vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng ông mới nhập viện. Tại đây, các bác sĩ buộc phải tiến hành cắt lọc tổ chức hoại tử và điều trị kháng sinh tích cực để kiểm soát nhiễm trùng.

Hình ảnh bàn chân bị nhiễm trùng khi tự đắp lá tại nhà

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều người dân khi bị rắn, côn trùng hoặc động vật cắn thường có xu hướng chủ quan, cho rằng vết thương nhỏ không nghiêm trọng, sử dụng các bài thuốc dân gian như đắp lá cây, bó thuốc nam, hút nọc rắn bằng miệng… và trì hoãn đến bệnh viện cho đến khi vết thương trở nặng. Tuy nhiên, việc xử lý không đúng cách có thể khiến nọc độc lan nhanh hơn, làm chậm quá trình xử trí chuyên môn, gây biến chứng nhiễm trùng, hoại tử, và thậm chí tử vong.

Triệu chứng lâm sàng khi bị nhiễm độc nọc rắn:

  • Tại vùng bị cắn: vết thương thường có hai dấu móc của răng nanh rắn, gây đau buốt, chảy máu và bầm tím quanh khu vực bị cắn. Vùng tổn thương có thể sưng to, đỏ, nóng, nổi bọng nước, nổi hạch vùng lân cận.
  • Nếu nọc độc bắn vào mắt sẽ xuất hiện ngay các triệu chứng: Đau như kim châm, kèm cảm giác bỏng rát kéo dài, chảy nước mắt liên tục, mắt đỏ ngầu, sưng mí, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ. Trường hợp nặng có thể gây loét giác mạc, sẹo vĩnh viễn hoặc viêm nội nhãn nguy hiểm.
  • Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân có thể thấy buồn nôn, nôn, đau bụng, uể oải, chóng mặt, mệt mỏi toàn thân, ngủ gà…
  • Rối loạn tim mạch: Chóng mặt, ngất xỉu, sốc, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, phù phổi,… đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền.
  • Rối loạn đông cầm máu: Chảy máu từ vết thương, chảy máu hệ thống tự phát (chảy máu cam, chảy máu răng, ho ra máu, tiểu máu, đi tiêu phân đen, chảy máu âm đạo, xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết não…).
  • Thần kinh: Ngủ gà, liệt mềm hoàn toàn, bất thường về khứu giác, mất tiếng, khó nuốt,…
  • Thận: thiểu niệu (nước tiểu dưới 500ml/24h ở người lớn) hoặc vô niệu, tiểu ra máu, tăng ure huyết với các biểu hiện toan máu, nấc cụt, đau ngực…ure máu (toan hô hấp, nấc, đau ngực do viêm màng phổi,…).
  • Nội tiết: suy thượng thận cấp, sốc, giảm đường huyết; sau đó yếu mệt toàn thân, suy tuyến giáp, suy sinh dục.
  • Biến chứng lâu dài: sau khi vượt qua cơn nguy kịch, một số bệnh nhân vẫn phải đối mặt với các hệ lụy như mất mô, cắt cụt chi, viêm xương khớp mạn tính, tổn thương thần kinh, rối loạn nội tiết kéo dài, suy thận mạn, đái tháo đường thứ phát hoặc suy giảm chức năng não.

Xử trí khi bị rắn cắn:

  • Giữ bình tĩnh, bất động phần bị cắn (vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn)
  • Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).
  • Làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý.
  • Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) cố định chân, tay bị cắn.

  • KHÔNG tự ý chích rạch, đắp lá, chườm lạnh, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hay hút nọc độc bằng miệng.
  • KHÔNG cố gắng bắt hoặc giết rắn: Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.
  • Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời và đúng chuyên môn.

Sự chậm trễ trong điều trị không chỉ gây tốn kém mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Việc chủ động tìm đến cơ sở y tế sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ an toàn sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

Đề phòng rắn cắn:

  • Tìm hiểu về loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp.
  • Đi ủng, dày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ.
  • Càng tránh xa rắn thì càng tốt, đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người. Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.
  • Không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đỏ nát, đống rác, nơi nuôi các động vật của gia đình.
  • Để tránh bị rắn biển cắn, người dân không nên bắt rắn ở trong lưới hoặc dây câu.
  • Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm.

Bs. Phương Anh (CDC)

cùng chuyên mục

bản tin y tế

Các mẹ cần biết

Bác sỹ gia đình

liên kết website

liên kết facebook

thống kê truy cập