Biến chứng nguy hiểm do viêm phụ khoa trong thai kỳ

Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy vừa cấp cứu một trường hợp trẻ sơ sinh đủ tháng (nặng 3,5 kg) bị suy hô hấp nặng, nhiễm khuẩn sơ sinh do viêm phổi bào thai, tràn khí màng phổi, suy đa tạng nguy kịch. Đáng lưu ý trong quá trình mang thai, mẹ của bé bị viêm nhiễm phụ khoa phải điều trị thuốc trong thai kỳ. Theo các bác sĩ, viêm nhiễm phụ khoa là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ối vỡ non trong 3 tháng giữa và gây nhiều biến chứng cho trẻ sơ sinh.

Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho trường hợp trẻ sơ sinh bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tặng nguy kịch

Bệnh dễ mắc, dễ chữa nhưng nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, CDC Quảng Ninh cho biết: Viêm nhiễm phụ khoa cụ thể là viêm âm đạo, viêm cổ tử cung là tình trạng thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, do trong quá trình mang thai, những thay đổi sinh lý của người mẹ như: thay đổi hormone nội tiết tố, suy giảm sức đề kháng, cổ tử cung mở rộng hơn bình thường dễ dẫn đến sung huyết và phì đại niêm mạc âm đạo, phì đại và tăng sinh tế bào tuyến cổ tử cung, thay đổi PH âm đạo, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh.

Viêm phụ khoa nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì không gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, có những thai phụ không khám phụ khoa trong suốt thai kỳ hoặc thậm chí có triệu chứng khó chịu cũng không đi khám vì sợ đau, vì sợ dùng thuốc ảnh hưởng đến con. Khi đó tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể gây ra những biến chứng như:

  • Trong quá trình mang thai: thai nhi chậm phát triển; Rỉ ối, ối vỡ sớm, ối vỡ non; Nhiễm  khuẩn ối; Tăng nguy cơ sinh non; Tăng tỉ lệ tử vong của thai nhi và trẻ sơ sinh.
  • Trong quá trình sinh thường:
    • Người mẹ nhiễm nấm âm đạo không được điều trị, nấm có thể dính và mắt, vào miệng gây nấm miệng, nấm mắt, nấm da cho trẻ, thậm chí trẻ có thể nhiễm nấm vào phổi gây viêm phổi; Nhiễm nấm ruột…
    • Vi khuẩn lậu có thể xâm nhập vào mũi, miệng, mắt của em bé khi sinh ra gây viêm kết mạc trẻ sơ sinh. Nếu tình trạng nhiễm khuẩn lậu ở mắt kéo dài không được phát hiện và điều trị có thể gây mù lòa cho trẻ.
    • Với những trẻ đẻ ra bị nhẹ cân khi sinh thì dễ bị nhiễm trùng sau sinh: suy hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ…..
    • Tăng nguy cơ viêm niêm mạc tử cung sau sinh, nhiễm trùng sản dịch sau sinh…

Các loại viêm âm đạo phổ biến ở phụ nữ mang thai

Các yếu tố nguy cơ khiến thai phụ dễ bị viêm nhiễm âm đạo có thể do uống kháng sinh dài ngày, đái tháo đường không được kiểm soát tốt, người suy giảm hệ miễn dịch (HIV, dùng Corticoid), mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, vệ sinh vùng kín chưa đúng cách. Một số loại viêm nhiễm âm đạo phổ biến nhất có thể kể đến, đó là:

– Viêm âm đạo do nấm: Tác nhân hay gặp nhất là nấm candida. Viêm nhiễm do nấm có thể gặp ở bất kì thời điểm nào khi phụ nữ mang thai, có thai phụ bắt đầu có thai đã thấy kèm theo âm đạo tiết dịch và có triệu chứng ngứa.

Điều trị viêm nhiễm phụ khoa khi mang thaido nấm men Candida thường khá dễ dàng nhưng bệnh dễ tái phát nhiều lần. Nếu thai phụ mắc bệnh lý phụ khoa khi mang thai mà không được chữa bệnh dứt điểm, thì nấm có thể bám vào niêm mạc miệng trẻ sơ sinh khi sinh qua đường âm đạo, gây ra bệnh hắc lào, viêm da ở trẻ sơ sinh. Thậm chí, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển trong tử cung hoặc có nguy cơ sinh non rất cao, sức đề kháng yếu, bị viêm phổi do nấm gây ra.

– Viêm phụ khoa do tạp khuẩn: Vi khuẩn cũng là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phụ khoa rất hay gặp ở nhóm phụ nữ mang thai, cứ khoảng 5 thai phụ thì sẽ có một người bị mắc bệnh.

Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai do nhóm vi khuẩn này gây ra thường có liên quan đến các biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ như: vỡ ối sớm, tăng nguy cơ sảy thai khi thai đã lớn, nhiễm trùng nước ối, nguy cơ sinh non cao gấp 2 lần so với mẹ không bị bệnh, trẻ sinh ra nhẹ cân. Bên cạnh đó, mẹ bầu còn có nguy cơ bị viêm nội mạc tử cung sau khi sinh bằng đường âm đạo hoặc mổ lấy thai.

Viêm sinh dục do vi khuẩn thường bệnh nhân không thấy có triệu chứng ngứa nhưng các triệu chứng khác rất dễ nhận biết như: dịch âm đạo tiết ra có màu xám, có mùi tanh hôi khó chịu.

– Viêm phụ khoa do lậu cầu: Vi khuẩn lậu là một trong những vi khuẩn phổ biến gây bệnh viêm nhiễm lây qua quan hệ tình dục.

Mắc bệnh phụ khoa trong thai kỳ do lậu cầu khuẩn gây nên nếu không được chữa bệnh triệt để có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi như: tăng 8% nguy cơ sinh non, vỡ ối, viêm màng ối, do suy dinh dưỡng bào thai nên trẻ sinh ra nhẹ cân. Ngoài ra, vi khuẩn lậu có thể lây nhiễm dễ dàng cho em bé khi sinh thường qua đường âm đạo: Vi khuẩn tấn công vào mắt trẻ sơ sinh, gây ra bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh. Kết quả là, từ ngày thứ hai sau khi sinh, mắt của trẻ xuất hiện tình trạng bị tụ máu với lượng lớn mủ vàng, dẫn đến giảm thị lực và có thể mù lòa.

Triệu chứng viêm do lậu cầu có thể nhận biết: khí hư ra nhiều, màu xanh có mủ có thể lẫn máu cổ tử cung phình to viêm đỏ, khí hư như mủ chảy ra từ buồng cổ tử cung tiểu đục có mủ, tiểu buốt, đau vùng bụng dưới.

Viêm phụ khoa cần được bác sĩ sản phụ khoa thăm khám để đánh giá và điều trị kịp thời

– Viêm phụ khoa do virus: Do tình trạng thay đổi hệ thông miễn dịch sức đề kháng giảm khi mang thai nên mẹ bầu rất dễ bị viêm nhiễm do virus. Những virus thường nhiễm qua quan hệ tình dục như HSV (simplex virus) hay HPV (human papillomavirus).

Viêm phụ khoa do virus cần được bác sĩ sản phụ khoa cần thăm khám cả trong âm đạo, cổ tử cung để đánh giá.

Cần làm gì phòng tránh bệnh viêm phụ khoa

Các bác sĩ khuyến cáo, các cặp vợ chồng nên khám tiền sản để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, chuẩn bị một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh trước khi mang bầu.

Các dấu hiệu dễ nhận biết bệnh viêm phụ khoa

Đối với các sản phụ, cần thường xuyên khám thai định kỳ theo đúng quy định, đồng thời lắng nghe các biểu hiện của cơ thể đặc biệt là theo dõi sức khỏe vùng kín trong suốt quá trình mang thai. Nếu có các triệu chứng bất thường như ngứa vùng kín, khí hư có mùi hôi, khí hư có màu bất thường, đau rát khi đi tiểu, nước tiểu có màu đục… cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tùy thuộc vào tác nhân gây viêm nhiễm và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp và đảm bảo không ảnh hưởng đến thai nhi.

Các biện pháp phòng ngừa hiện tượng viêm âm đạo

Mẹ bầu có thể áp dụng những phương pháp hỗ trợ, phòng ngừa, giảm nguy cơ tái phát viêm phụ khoa dưới đây:

  • Vệ sinh phụ khoa đúng cách, hạn chế rửa hay thụt nước vào trong âm đạo gay ẩm ướt, lau vệ sinh cần thực hiện từ trước ra sau tránh nhiễm khuẩn từ hậu môn.
  • Hạn chế rửa hay thụt nước vào trong âm đạo gay ẩm ướt.
  • Mặc quần áo thoáng mát, đồ lót cần sử dụng chất cotton.
  • Không nên áp dụng những mẹo dân gian trị viêm phụ khoa chưa được kiểm chứng.
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh từ khuyến cáo và kê đơn của bác sĩ sản phụ khoa. Không tự ý mua thuốc về sử dụng mà không hỏi ý kiến bác sĩ vì có một số loại thuốc tốt cho người bình thường nhưng có thể gây hại cho mẹ bầu và thai nhi nếu dùng không đúng cách, đúng liều.
  • Không nên tắm bồn vì có thể lây nhiễm thêm nguồn vi khuẩn khác.
  • Khi bị viêm nhiễm phụ khoa thì mẹ nên kiêng quan hệ tình dục.
  • Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin, uống nhiều nước, hoa quả giúp tăng sức đề kháng.
  • Hạn chế ăn đồ ngọt vì chúng làm tăng lượng bài tiết của âm đạo, khiến âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và bệnh thêm nặng.
  • Vận động hợp lý tránh ngồi quá lâu gây bí bách.
  • Khám thai, khám phụ khoa định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Quỳnh Trang (CDC Quảng Ninh)