Cảnh báo tình trạng biến chứng do tự ý mua thuốc điều trị đau mắt đỏ

Dịch đau mắt đỏ đang bùng phát ở nhiều địa phương. Điều đáng nói là đợt dịch năm nay kéo dài hơn với số ca biến chứng nặng có xu hướng tăng cao. Theo các bác sĩ, nguyên nhân là do thói quen tự sử dụng thuốc tại nhà của người dân vốn đã tồn tại từ lâu.

Biến chứng do tự ý sử dụng thuốc

Khi mắt bắt đầu sưng đỏ, đau nhức, bệnh nhân P.T.A đã ra hiệu thuốc để mua thuốc về nhỏ. Nếu như mọi năm chỉ nhỏ khoảng 2-3 ngày thì mắt sẽ đỡ hoàn toàn nhưng lần này tình trạng trở nên nặng hơn.“Tôi bị từ chiều thứ 7 và triệu chứng là chảy nước mắt, ngứa, chịu không được, rất khó chịu” – anh P.T.A chia sẻ.

Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nếu đc khám và điều trị đúng thì bệnh sẽ khỏi trong vòng 1-2 tuần. Nhưng nếu bệnh nhân tự điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Mắt bệnh nhân chuyển biến nặng do tự ý sử dụng thuốc không theo hướng dẫn từ bác sĩ.

Bác sĩ CKII Ma Doãn Thuyết – Khoa mắt, Bệnh viện Bưu điện cho biết: “Các bệnh nhân đến khám thường có biến chứng của viêm giác mạc, viêm giác mạc chấm lông, có một số trường hợp viêm giác mạc sậm, ở trẻ em viêm kết mạc nặng thường gây giảm mạc”.

Đa số các bệnh nhân trước khi đi khám đều tự sử dụng ít nhất một loại thuốc. Những loại thuốc này thường có chứa corticoid. Thường giai đoạn viêm giác mạc do adenovirus thì không cần dùng kháng sinh vì bản thân virus không đáp ứng kháng sinh. “Chúng ta có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt, tuy nhiên vẫn phải kê thêm những thuốc kháng sinh phối hợp vào để chống bội nhiễm. Những giai đoạn nặng, phù nề lên nhiều thì bác sĩ cũng cân nhắc thuốc có corticoid để giảm các triệu chứng” – bác sĩ Thuyết thông tin thêm.

Những biến chứng của đau mắt đỏ phải kể đến là viêm giác mạc các dạng: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu… có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa. Bên cạnh đó là viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt cũng gây vô số phiền toái cho bệnh nhân

Làm gì khi bị đau mắt đỏ?

Nếu có triệu chứng có đau mắt đỏ như mắt, ngứa sưng đỏ nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng. Bác sĩ chuyên khoa mắt Lâm Thu Hạnh  – Trung tâm y tế Ba Chẽ cũng khuyến cáo: “người dân tuyệt đối không được điều trị theo phương pháp dân gian truyền miệng như nhỏ sữa mẹ, đắp hành củ, lá trầu… Ngoài ra, khi mà chưa có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng không nên tự ý mua thuốc điều trị vì có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn”.

Bác sĩ tại Trung tâm y tế Ba Chẽ thăm khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ.

Về chế độ ăn uống, người bệnh cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày như là chất đạm, chất xơ, chất béo, tinh bột để tăng cường hệ miễn dịch.

Người bệnh nên tránh ăn uống kiêng khem quá để không rơi vào tình trạng suy nhược. Ăn các loại trái cây bổ sung vitamin như cam, bưởi, chanh…, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Và nên kiêng khem các thực phẩm có chứa chất kích thích như là rượu, cà phê, bia, các thực phẩm có tính nóng như ớt, tỏi.

Đỏ mắt, cộm mắt, tiết nhiều dịch ở mắt,… là những dấu hiệu đặc trưng của đau mắt đỏ. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh ở mắt nguy hiểm có triệu chứng tương tự, bệnh nhân không thể tự chẩn đoán được. Nếu người dân có những dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Tuấn Anh – CDC Quảng Ninh