Tại Việt Nam, quai bị là một bệnh phổ biến, phân bố khắp cả nước. Bệnh thường gặp vào các mùa trong năm có thể bùng phát thành từng cụm dịch vừa và nhỏ. Tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 10-40 trường hợp trên 100.000 dân, bệnh thường tập trung nhiều ở các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên. Trẻ em là đối tượng dễ bị mắc quai bị. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh lây theo đường hô hấp từ người bệnh qua người lành thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, khạc nhổ, nói chuyện,…
Theo thống kê, đây là bệnh phân bố rộng trên toàn cầu, tỷ lệ mắc quai bị thường cao ở những khu vực đông dân cư, nơi có khí hậu thường xuyên mát hoặc lạnh, khu vực có đời sống chưa được cao…Tỷ lệ tử vong do nhiễm quai bị thường rất thấp, không vượt quá 1/100.000 dân, tuy nhiên không ít trường hợp có biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não hoặc viêm nhiều tuyến.
Virus quai bị có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể: Khoảng từ 30 – 60 ngày ở nhiệt độ 15 – 200oC và bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560oC hoặc dưới tác động của các hóa chất diệt khuẩn. Thời gian lây là từ 6 ngày trước khi có cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có các triệu chứng bệnh lý.
Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Thị Bích Phượng, Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: “Về triệu chứng của quai bị điển hình ở trẻ thường sốt cao từ 38-40o. Có sưng đau góc hàm 1 hoặc là 2 bên, đôi khi xảy ra biến chứng các bạn ấy có thể đau bụng nhiều, nôn, sưng đau tinh hoàn, hoặc là những triệu chứng như co giật, đau đầu”.
Quai bị thường ít gặp ở những trẻ dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu đời với trường hợp mẹ từng mắc bệnh. Sau 2 tuổi, tần suất mắc bệnh cao dần và đạt đỉnh ở độ tuổi từ 10-19 tuổi.
Với quai bị nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng có thể xảy ra ở trẻ gồm:
– Điếc tai: Điếc tai xảy ra ở giai đoạn khởi phát bệnh do virus gây tổn thương tại ốc tai, thường là điếc một bên tai và hiếm gặp hơn là điếc cả hai bên. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ chứng điếc tai rất hiếm gặp đối với bệnh quai bị ở trẻ nhỏ, chỉ khoảng 1/200,000 trẻ bị điếc tai.
– Viêm não: Virus quai bị có thể tấn công lên hệ thần kinh trung ương tăng nguy cơ viêm não, viêm màng não hoặc dị tật tiểu não. Biến chứng tại hệ thần kinh thường gặp hơn ở người lớn mắc bệnh quai bị, nhưng vẫn có thể xảy ra ở trẻ em.
– Viêm tinh hoàn bé trai: Tỷ lệ thường thấy là cứ 10 bé trai bị quai bị thì có 4 bé gặp phải biến chứng viêm tinh hoàn. Nếu thấy trẻ mắc quai bị có dấu hiệu đau đầu nhiều, sốt cao, đặc biệt là đau nhiều tại bìu (nơi chứa tinh hoàn) ở 1 hoặc cả 2 bên thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay, điều trị đúng và kịp thời để tránh gây vô sinh trong tương lai.
– Viêm buồng trứng bé gái: Viêm buồng trứng ở bé gái có biểu hiện đau bụng nhiều. Lúc này cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế siêu âm để chẩn đoán chính xác, kịp thời.
– Viêm màng não: Một trong những biến chứng hiếm gặp nhất của bệnh quai bị xảy ra khi virus lây lan qua máu, nhiễm vào hệ thần kinh trung ương là não và tuỷ sống gây viêm màng não. Biểu hiện nặng gồm tụt huyết áp, đau bụng nhiều, nôn ói.
“Việcđiều trị quai bị hiện nay chỉ điều trị triệu chứng. Tức là khi có sốt chúng ta dùng hạ sốt. Ngoài ra có thể tăng cường sức đề kháng như là vitamin C, hoặc là ăn những thức ăn lỏng, nguội và chườm tại vị trí đau”.Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Thị Bích Phượng chia sẻ.
Bên cạnh đó, người bệnh cần được chăm sóc hợp lý như: Nghỉ ngơi, nằm khi có sốt cao; có thể chườm ấm vùng tuyến mang tai bị sưng để giảm đau; nếu sốt cao có thể lau mát để hạ sốt. Đối với nam giới nên mặc quần lót nâng tinh hoàn, giảm căng và giảm đau nhức cho người bệnh. Chăm sóc kỹ răng miệng để tránh bội nhiễm và tăng cảm giác ăn ngon miệng hơn; tắm rửa sạch hàng ngày. Bệnh nhân nên được ăn thức ăn lỏng, mềm, tránh những đồ ăn quá nóng, cay, chua nhiều gia vị. Gia đình nên tránh tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc cần mang khẩu trang, rửa tay sạch sẽ.
Để phòng ngừa bệnh quai bị, Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Thị Bích Phượng khuyến cáo: “Đối với quai bị có vắc xin phòng bệnh, nên chúng tôi khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Đặc biệt là trẻ trên 12 tháng có lịch tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella. Vắc xin này có tính miễn dịch bền vững đảm bảo phòng bệnh cho trẻ 100%”.
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh cho bản thân và con em mình, chúng ta cần lưu ý một số biện pháp như sau:
– Tuyên truyền mở rộng về việc nâng cao ý thức vệ sinh môi trường sống, vệ sinh khu vực nhà ở, nhà trẻ, trường học, khu vực ký túc xá, khu vực đông dân cư… với tiêu chí mở thông thoáng khí ở môi trường ở, khu vực ở và làm việc cần nhiều ánh sáng, sạch sẽ và hạn chế bụi bẩn.
– Với trẻ lớn và thanh niên cần xây dựng thói quen rửa thay thường xuyên với xà phòng.
– Chú trọng vệ sinh cá nhân để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.
– Khi trẻ bị mắc bệnh cần được cách ly và điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ để tránh lây nhiễm cho người xung quanh, khử khuẩn khu vực có trẻ nhiễm.
– Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị khi có biểu hiện bệnh, đặc biệt những trường hợp nghi ngờ có biến chứng không được chần chừ mà đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC Quảng Ninh