Loét dạ dày – tá tràng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như chảy máu ổ loét, thủng ổ loét, hẹp môn vị.
Mới đây, khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí đã tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen, thiếu máu. Trước đó người bệnh không có biểu hiện gì đặc biệt. Các bác sỹ khoa Nhi, khoa Nội tiêu hóa đã hội chẩn xác định đây là trường hợp chảy máu đường tiêu hóa trên nghi do loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhi được nội soi dạ dày – tá tràng có gây mê, phát hiện ổ loét hành tá tràng đang chảy máu và tiến hành can thiệp cầm máu, test vi khuẩn HP dương tính. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị nội khoa theo phác đồ loét dạ dày – tá tràng do vi khuẩn HP, sức khỏe ổn định, đã được xuất viện.
Người bệnh được bác sĩ thăm khám tại Đơn vị cấp cứu Nhi
Bác sĩ CKII Vương Thị Hào, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện cho biết: Trong 3 tháng trở lại đây Khoa Nhi, bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí ghi nhận hơn 20 trường hợp đến khám, điều trị do viêm, loét dạ dày tá tràng, 10 – 15% có tình trạng xuất huyết tiêu hoá. Các trường hơp bệnh nhi nhập viện đều có triệu chứng nặng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen, choáng ngất vì thiếu máu do biến chứng chảy máu ổ loét. Một số trường hợp loét dạ dày – tá tràng có các triệu chứng không điển hình như buồn nôn, khó tiêu, gầy sút cân hoặc không cảm thấy đau bụng nhưng lại đau ngực. Loét dạ dày – tá tràng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trẻ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nặng có nguy cơ tử vong như thủng ổ loét, chảy máu ổ loét, hẹp môn vị.”
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quang Út, Trưởng khoa Nội tiêu hoá, bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí cho biết: Loét dạ dày, tá tràng khá phổ biến ở các bệnh nhi được nội soi dạ dày, tá tràng. Nội soi là “tiêu chuẩn vàng” giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh loét dạ dày – tá tràng. Hơn nữa qua nội soi bác sĩ có thể can thiệp cầm máu trong trường hợp ổ loét có biến chứng chảy máu và lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm HP và một số nguyên nhân khác gây loét dạ dày – tá tràng. Hiện tại bệnh viện áp dụng nội soi dạ dày – tá tràng có gây mê giúp trẻ hoàn toàn dễ chịu trong quá trình nội soi”.
Ts. Bs Đỗ Quang Út, Trưởng khoa Nội tiêu hoá, bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí thực hiện nội soi dạ dày cho bệnh nhi
Trong bệnh loét dạ dày tá tràng, tại vị trí ổ loét, niêm mạc dạ dày tá tràng bị phá hủy, tổn thương có thể xuyên qua toàn bộ các lớp của ống tiêu hóa. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp chủ yếu do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Ngoài ra loét dạ dày tá tràng có do các yếu tố khác như chế độ ăn uống như ăn đồ chua cay, nóng, chất ăn mòn; sử dụng thuốc (corticoid, thuốc giảm đau), căng thẳng – stress.
Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ đang có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cũng như sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ. Trước đây phần lớn các trường hợp loét dạ dày tá tràng phải phẫu thuật nhưng hiện nay chủ yếu được điều trị nội khoa trừ khi có biến chứng thủng, hẹp môn vị, chảy máu nặng nội soi không kiểm soát được. Với sự đầu tư đồng bộ về hệ thống máy móc cũng như chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã và đang triển khai đầy đủ các phương pháp để sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh lý loét dạ dày tá tràng cho cả trẻ em và người lớn.
Nếu thấy trẻ xuất hiện cái biểu hiện như: đau bụng, ăn khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, mệt mỏi gầy sút cân, thiếu máu, nôn ra máu và ỉa phân đen cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Thanh Nga (CDC)