Tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2023 có nhiều diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ổ dịch dại trên chó tại khu vực miền núi. Tỉ lệ tiêm phòng trên đàn chó mèo thấp, thói quen nuôi chó thả rông nên nguy cơ lây truyền bệnh dại sang người cao. Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đơn vị y tế trong tỉnh thực hiện kịp thời xử lý các ổ dịch.
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 01 trường hợp tử vong do dại tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tăng 01 ca so với cùng kì năm 2022. Tổng số trường hợp được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm: 5258 trường hợp. Trong đó có 265 trường hợp cần chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, tăng 67 trường hợp so với năm 2022. Hầu hết các trường hợp đến tiêm phòng đều do chó (89,2%), phần còn lại là do mèo (9%) và các động vật khác.
Nhằm tăng cường phòng chống bệnh Dại, CDC Quảng Ninh đã chỉ đạo TTYT phối hợp TYT thực hiện rà soát các đối tượng nguy cơ, tiêm vắc xin và huyết thanh kịp thời; Chỉ đạo địa phương giám sát, phát hiện người bị chó dại cắn đi tiêm phòng dại. Triển khai các điểm tiêm vắc xin và kháng huyết thanh dại sẵn sàng phục vụ người dân tiêm phòng.

Người dân phường Cao Thắng, TP Hạ Long đưa chó đi tiêm phòng dại.
Đồng thời, Trung tâm cũng tăng cường truyền thông, giám sát, phát hiện sớm dấu hiện giám sát bệnh dựa vào sự kiện, cập nhật tình hình bệnh dại trên toàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh dịch. Thực hiện công tác truyền thông trên website đơn vị, các nền tảng mạng xã hội và phối hợp đài truyền hình tỉnh thực hiện phóng sự về các hoạt động xử lý tại ổ dịch.
Ngoài ra, CDC Quảng Ninh cũng phối hợp Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh, huyện, trao đổi thông tin hai chiều, cập nhật tình hình dịch xử lý kịp thời ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan sang người.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người mắc bệnh Dại thường có thời gian ủ bệnh khoảng 1-3 tháng sau phơi nhiễm, nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh lên tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Do đó, người dân không được chủ quan khi bị động vật cắn, cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe bản thân. Không có thời gian giới hạn để tiêm phòng Dại. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không tự chữa, không nhờ thầy lang khám chữa, không sử dụng các phương pháp thử Dại hoặc sử dụng thuốc nam để điều trị. Bệnh Dại chỉ có thể xét nghiệm được ở các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện.

Chó thả rông không đeo rọ mõm tại khu 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long.
Trong 3 tháng cuối năm 2023, dự báo trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh dại trên người và tập trung chủ yếu tại khu vực miền núi. CDC Quảng Ninh sẽ tiếp tục công tác giám sát tình hình bệnh dại, kết hợp giám sát công tác thực hiện Hệ thống giám sát dưa vào sự kiện (EBS) tại 13 huyện thị. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh dại, đảm bảo trên 90% người dân bị phơi nhiễm do súc vật cắn được tiếp cận với tư vấn phòng bệnh. Giám sát việc triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại tại các địa phương, đặc biệt là những nơi có ổ dịch cũ, phối hợp chương trình tiêm chủng, giám sát tại các điểm tiêm chủng.