Chủ động phòng chống cúm trong dịp Tết cổ truyền

Cúm được đánh giá là một trong những căn bệnh dễ lây nhiễm và có thể bùng phát thành dịch. Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1 – 1,8 triệu người mắc cúm mùa. Dịp Tết cổ truyền đang đến gần, việc phòng cúm để có một cái Tết khỏe mạnh, vui tươi là hết sức quan trọng.

Bệnh cúm bắt nguồn từ vi rút cúm (Influenza virus). Vi rút cúm tồn tại trong không khí và có thể xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Vi rút cúm có khả năng lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện khiến các giọt bắn của dịch tiết mũi họng có chứa vi rút xuất hiện trong không khí và tồn tại trên các bề mặt, đồ vật. Nếu tiếp xúc phải các dịch bắn này sẽ có nguy cơ nhiễm cúm. 

Vi rút cúm lây lan trực tiếp qua đường hô hấp

Ở những nơi tập trung đông người, tình trạng tiếp xúc trực tiếp là điều kiện lý tưởng để cúm lây lan nhanh. Người bị cúm có thể lây nhiễm cho người khác ngay trong thời gian ủ bệnh từ 1 ngày trước khi có triệu chứng cho đến 5-7 ngày sau khi phát bệnh. Riêng với trẻ nhỏ hoặc người có sức khỏe kém, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài hơn cho tới khoảng 2 tuần.

Cúm có 3 loại khác nhau ảnh hưởng tới người, bao gồm:

– Cúm A: Còn được gọi là cúm mùa, được tìm thấy ở nhiều loài động vật. Vi rút cúm A thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới; được biết đến như là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng cao lây nhiễm cao. Các phân nhóm cúm A đang được lưu hành hiện nay bao gồm A (H1N1) và A (H3N2).

– Cúm B: Giống như cúm A, vi rút cúm B cũng có thể bùng phát gây bệnh theo mùa. Về khác biệt, vi rút cúm B nói chung thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với cúm A. Vi rút cúm B chỉ gây bệnh ở người và không được phân chia theo loại như cúm A; cũng không gây ra những đợt lây nhiễm lớn.

– Cúm C: Vi rút cúm C cũng được tìm thấy ở người nhưng gây bệnh với các triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với cúm A và B và ít hình thành biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Vũ Đình Tuyển, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế Vân Đồn cho biết: “Cúm bao gồm 4 giai đoạn chính với những biểu hiện cụ thể: Giai đoạn ủ bệnh thường sẽ kéo dài từ 24 – 48 giờ, có trường hợp thời gian ủ bệnh có thể lên tới 72h. Giai đoạn bệnh khởi phát trong 24h đầu người bệnh thường đột ngột sốt cao, có thể kèm theo rét run. Cùng với đó là những biểu hiện như mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu, ho theo từng cơn ngắn nhưng không có đờm. Giai đoạn toàn phát với những triệu chứng điển hình như nhiễm khuẩn, chán ăn, mạch nhanh, liên tục sốt cao, có thể chảy máu cam, nước tiểu vàng; triệu chứng hô hấp là triệu chứng điển hình nhất, có thể bắt gặp ngay từ thời gian đầu mắc bệnh. Các biểu hiện đau nhức, đau cơ bắp toàn thân, nhất là vùng trên xương ức, khu trú ngực, thắt lưng và chi dưới, đau đầu, khi ho gắng sức có cảm giác đau hơn. Họng khô và đau rát, sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt. Biểu hiện viêm phổi, viêm phế quản như khó thở, ho. Biểu hiện viêm thanh khí quản như khàn tiếng, ho khan. Ngoài ra, một số biểu hiện khác mà người bị cúm có thể gặp phải như: Mức độ nhẹ tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa,…Mức độ nặng hạ huyết áp, viêm cơ tim, viêm đa rễ thần kinh, viêm phổi, thậm chí liệt nửa người.  Giai đoạn lui bệnh, nếu không có biến chứng gì nguy hiểm thì thường sau 2 – 5 ngày bệnh sẽ tự phục hồi. Tuy nhiên, lúc này người bệnh vẫn có thể bị ho, sổ mũi, hắt hơi nhưng chỉ ở mức độ nhẹ”. 

Triệu chứng cơ bản của cúm

Bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai…Bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Hiện tại vẫn chưa có cách điều trị cúm triệt để, chỉ có các phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh để người bệnh thoải mái và dễ chịu hơn. Người bệnh khi mắc cúm nên được nghỉ ngơi. Không nên hút thuốc lá hoặc uống rượu trong thời gian này; cũng nên hạn chế trà, cà phê, các đồ uống có chất kích thích,…để tránh làm cơ thể thêm mệt mỏi. Về dinh dưỡng, người bệnh cúm nên tăng cường, bổ sung các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng để nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Việc uống các thuốc giảm đau không kê đơn cần phải cân nhắc. Trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau những triệu chứng gần giống cúm không nên dùng aspirin để phòng ngừa nguy cơ mắc hội chứng Reye – tình trạng tổn thương não cấp tính, gan thoái hóa mỡ sau khi nhiễm vi rút cấp tính. Người bệnh cúm có thể sử dụng các loại thuốc trị cảm, thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt không kê đơn để giảm bớt một số triệu chứng cúm khó chịu như ho, sổ mũi, nhức đầu,…

Với người bị nhiễm trùng nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao, sử dụng thuốc kháng vi rút là phương pháp điều trị cúm cần thiết. Dùng thuốc kịp thời, đúng cách giúp giảm mức độ các triệu chứng và rút ngắn thời gian nhiễm bệnh. Đây cũng là cách ngăn ngừa các biến chứng cúm tiến triển – nhất là ở người lớn tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch. Hiện có 3 loại thuốc kháng vi rút được khuyên dùng trong điều trị cúm bao gồm: oseltamivir (Tamiflu®), zanamivir (Relenza®) và peramivir (Rapivab®). Các thuốc này hoạt động dựa theo nguyên tắc làm gián đoạn chức năng men neuraminidase trên bề mặt vi rút và ngăn chặn sự giải phóng các phần tử vi rút từ các tế bào vật chủ bị nhiễm bệnh. Các thuốc kháng vi rút này có thể sử dụng cho các trường hợp mắc cúm A và B và có tác động tốt nhất trong vòng 48 tiếng sau khi người bệnh bắt đầu có các triệu chứng cúm. Vì thế việc chẩn đoán và điều trị sớm là điều vô cùng quan trọng. Dùng thuốc kháng vi rút có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nôn ói ở một số người. Người bệnh nên dùng thuốc trong khi ăn để có thể giảm bớt các tác dụng phụ này. Đặc biệt lưu ý với các trường hợp nhiễm trùng nặng và người có nguy cơ biến chứng cúm cao khi sử dụng thuốc phải có sự thăm khám, điều trị, kê đơn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc dùng.

Để phòng ngừa cúm, Bác sĩ Vũ Đình Tuyển, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế Vân Đồn khuyến cáo:

– Trẻ em và người lớn cần được tiêm ngừa cúm mỗi năm. Đây là cách phòng bệnh tốt nhất. Theo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, vaccine có tỷ lệ bảo vệ rất cao lên tới 90%. Ở người lớn tuổi, tiêm vaccine cúm giúp giảm tới 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70-80% tỷ lệ tử vong từ các vấn đề có liên quan tới bệnh cúm.

– Rửa tay thường xuyên: Giữ tay sạch sẽ, hạn chế đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên rửa tay với nước ấm và xà phòng trong 30s hoặc sử dụng nước rửa tay khô.

– Hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi có triệu chứng cúm: Không nên sinh hoạt, làm việc, học tập chung hoặc tiếp xúc gần với người khác mà bạn nghi ngờ họ đang bị nhiễm cúm mà không có các biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang. Nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu bệnh cũng cần ý thức tự cách ly để đảm bảo sức khỏe cho mọi người xung quanh. Tốt nhất nên ở riêng trong phòng/ tại nhà ít nhất 24 tiếng kể từ thời điểm hết sốt.

– Làm sạch bề mặt vật dụng: Thường xuyên lau sạch, khử khuẩn bề mặt các vật dụng trong nhà, văn phòng, nơi công cộng có khả năng cầm nắm nhiều như tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi, mặt bàn,…cũng là cách giúp giảm nguy cơ mắc cúm.

– Tập thể dục đều đặn: Người có thói quen vận động, thể dục thể thao hằng ngày thường có triệu chứng ít nguy hiểm và thời gian hồi phục nhanh hơn nếu bị nhiễm cúm.

Cách phòng cúm

Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN