Chủ động phòng tránh và nhận biết sớm bệnh giang mai để điều trị kịp thời

Giang mai là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ diễn biến nặng, đe dọa tới sức khỏe người mắc. Do đó, hiểu rõ về bệnh để biết cách phòng tránh cũng như có thể nhận biết sớm bệnh kịp thời điều trị là hết sức cần thiết. Bác sĩ CKI Bùi Thị Hoài, khoa Da liễu và Phòng chống mù lòa tại cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh sẽ chia sẻ với độc giả về vấn đề này.

Phóng viên:Bệnh giang mai có phải là bệnh hiếm gặp không? Và những ai có nguy cơ mắc bệnh này, thưa bác sĩ?

Bác sĩ CKI Bùi Thị Hoài: Bệnh giang mai không phải là bệnh hiếm gặp. Những người có nguy cơ mắc bệnh giang mai bao gồm:Người có quan hệ tình dục không lành mạnh, quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng bao cao su không đúng cách; Những người không chung thủy một vợ một chồng; Những người có sử dụng bơm kim tiêm chung.

Đường lây truyền bệnh giang mai

Phóng viên: Bệnh giang mai ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người mắc, thưa bác sĩ?

Bác sĩ CKI Bùi Thị Hoài: Giang mai là xoắn khuẩn lây qua đường máu gây nhiễm trùng toàn thân. Nếu không phát hiện sớm và kịp thời điều trị sẽ gây thương tổn ăn sâu vào các tổ chức dưới da, niêm mạc, cơ quan vận động (cơ, xương, khớp), phủ tạng (tim mạch, thần kinh). Đối với phụ nữ khi có thai nếu mắc bệnh giang mai sẽ dẫn đến giang mai bẩm sinh ở trẻ nhỏ như sứt môi, hở hàm ếch,…

Dấu hiệu của bệnh giang mai trên da

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết biểu hiện của bệnh giang mai như thế nào ?

Bác sĩ CKI Bùi Thị Hoài: Giang mai thời kỳ thứ nhất với đặc trưng là săng giang mai với các biểu hiện vết trợt, hình tròn hay bầu dục, không ngứa, không đau, không có mủ, không điều trị cũng tự khỏi và thường kèm theo viêm hạch lân cận. Săng xuất hiện ở bộ phận sinh dục: Ở phụ nữ săng thường xuất hiện ở môi lớn, môi bé, mép sau âm hộ, lỗ niệu đạo, cổ tử cung; Ở nam giới, săng thường ở quy đầu, rãnh quy đầu, thân dương vật, miệng sáo, dây hãm, bìu, xương mu, bẹn. Với những người quan hệ ở hậu môn, săng có thể ở trực tràng hoặc quanh hậu môn. Săng còn có thể xuất hiện ở một số vị trí khác như: môi, lưỡi, amidan (do quan hệ miệng – sinh dục ). Vài ngày sau khi có săng ở bộ phận sinh dục, các hạch vùng bẹn thường bị sưng hợp thành chùm, trong đó có 1 hạch to hơn các hạch khác gọi là “ hạch chúa”.  Hạch rắn, không đau, không hóa mủ, không dính vào nhau và các tổ chức xung quanh, di dộng dễ.

Nếu không được điều trị, săng sẽ tự khỏi trong 3-6 tuần làm bệnh nhân tưởng khỏi bệnh. Tuy nhiên khi đó xoắn khuẩn vẫn tồn tại trong cơ thể và có thể truyền bệnh sang người khác. Nếu được điều trị đúng và đầy đủ thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn ở giai đoạn này mà không chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Giang mai thời kỳ thứ hai: Bắt đầu từ 6-8 tuần sau khi có săng. Đây là giai đoạn xoắn khuẩn theo đường máu và bạch huyết đi đến tất cả cơ quan trong cơ thể nên thương tổn có tính chất lan tràn, ăn nông, có rất nhiều xoắn khuẩn trên thương tổn nên thời kỳ này rất dễ lây, nguy hiểm nhiều cho xã hội hơn là bản thân.

 Người bệnh thường có triệu chứng toàn thân sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, nhức đầu, sưng hạch và các thương tổn da, niêm mạc. Bệnh tiến triển thành nhiều đợt dai dẳng từ 1-2 năm.

Phóng viên: Vậy làm thế nào để xác định có mắc giang mai hay không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ CKI Bùi Thị Hoài: Xét nghiệm máu để biết có mắc giang mai hay không. Những người có quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su đúng cách, dùng chung bơm kim tiêm thường có nguy cơ cao mắc bệnh giang mai cần chủ động làm xét nghiệm máu kiểm tra giang mai.

Phóng viên: Bệnh giang mai có thể điều trị khỏi không và cách điều trị bệnh hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ CKI Bùi Thị Hoài:Bệnh giang mai có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên người bệnh phải thực hiện theo đúng nguyên tắc điều trị: Điều trị sớm và đủ liều để khỏi bệnh, ngăn chặn lây lan, đề phòng tái phát và di chứng; Điều trị đồng thời cho cả bạn tình và bệnh nhân. Penicillin là thuốc được lựa chọn, cho đến nay chưa có trường hợp nào xoắn khuẩn giang mai kháng Penicillin. Bệnh nhân cần đến bệnh viện hoặc trung tâm có thực hiện các xét nghiệm về giang mai để được tư vấn và điều trị hiệu quả.

Phóng viên: Bác sĩ có khuyến cáo gì để phòng tránh bệnh này?

Bác sĩ CKI Bùi Thị Hoài:Các cơ quan chức năng cần tích cựctuyên truyền, giáo dục y tế cho cộng đồng về nguyên nhân, đường lây truyền, biến chứng và cách phòng bệnh.

Tập huấn chuyên môn cho các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa da liễu và đặc biệt sản phụ khoa để khống chế giang mai bẩm sinh, phát hiện và điều trị sớm giang mai mắc phải.

Hướng dẫn thực hiện tình dục an toàn: Chung thủy một vợ, một chồng. Tình dục không xâm nhập. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục đúng cách và thường xuyên, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao như gái mại dâm, “khách làng chơi” thực hiện 100% sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

Hải Ninh – CDC