Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa cần được kiểm soát và theo dõi chặt chẽ để hạn chế các biến chứng như mù lòa, suy thận, đau tim, đột quỵ, loét chân, cắt cụt chi… Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa, do đó kiểm tra đường huyết định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần là cách đơn giản nhất để tầm soát bệnh đái tháo đường, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, còn rất nhiều người mắc đái tháo đường mà không biết hoặc chưa được kiểm soát điều trị. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị T, 66 tuổi tại thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà mới được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường trong chương trình khám sàng lọc bệnh đái tháo đường tại cộng đồng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại huyện Hải Hà ngày 11/4 vừa qua. Kết quả xét nghiệm đường huyết mao mạch trước ăn của bà T là 14,9 mmol/l ( đường huyết mao mạch trước ăn bình thường từ 4,4-7,2 mmol/l). Qua thông tin trao đổi với bác sĩ của đoàn khám, bà T thấy trong người mệt mỏi, 2 tháng gần đây bị giảm 2kg và bà cũng chưa biết thông tin gì về bệnh đái tháo đường. Trường hợp của bà T đã được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn chuyển đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà.

Bác sĩ Đỗ Thị Giang, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Qua các đợt khám sàng lọc bệnh đái tháo đường tại cộng đồng chúng tôi thấy vẫn còn bộ phận khá đông người dân nhận thức về bệnh này còn hạn chế, đặc biệt là chưa có thói quen đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ tầm soát các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp. Chúng tôi đang thực hiện khám sàng lọc tại huyện Hải Hà, một số điểm khám sàng lọc phát hiện 5-10 % người dân đến khám mắc bệnh đái tháo đường, 25-30% có chỉ số đường huyết trong giới hạn tiền đái tháo đường.”

Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa, biểu hiện là tình trạng rối loạn chuyển hóa insulin khiến glucose trong máu tăng cao. Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều và sụt cân nhiều. Đái tháo đường có 3 loại (đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ). Đái tháo đường tuýp 1 là tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, do vậy trước đây còn gọi là “đái tháo đường phụ thuộc insulin”; Đái tháo đường tuýp 2 là do sự đề kháng với insulin, các tế bào không đáp ứng với insulin, do đó còn gọi là “đái tháo đường không phụ thuộc insulin”; Đái tháo đường thai kỳ: xảy ra khi phụ nữ chưa hề mắc bệnh đái tháo đường mà trong khi mang thai lại có nồng độ đường trong máu cao.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gồm: Tiền sử gia đình, người tăng huyết áp, độ tuổi từ 45 trở lên, rối loạn mỡ máu, tiền đái tháo đường, rối loạn đường huyết lúc mang thai… Nếu bệnh đái tháo đường không được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc… ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe.
Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021 trên thế giới ước tính có 537 triệu người trưởng thành (20 – 79 tuổi) hàng ngày đang phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045. Bệnh Đái tháo đường chính là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong.
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải gánh chịu áp lực từ sự gia tăng số lượng người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Theo IDF, tại Việt Nam, có khoảng gần 3,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường năm 2019. Hầu hết trong số này là đái tháo đường tuýp 2.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo bệnh không lây nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 25/3/2023 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 18.261 người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó 16.752 người được quản lý điều trị tại các cơ sở y tế.
Bác sĩ Đỗ Thị Giang cho biết: Để phòng bệnh đái tháo đường chúng ta cần duy trì thói quen sinh hoạt tập luyện thể dục, thể thao đều đặn; giữ cho tinh thần thật sự thoải mái; chế độ ăn uống, sinh hoạt điều chỉnh hợp lý, khoa học như không uống nhiều nước ngọt, giảm tinh bột… Đặc biệt, nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, tham gia các đợt khám sàng lọc tại cơ sở để tầm soát bệnh bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.”

Bệnh đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, bệnh thường diễn biến âm thầm nên việc chủ động tầm soát và phát hiện, điều trị bệnh sớm là hết sức cần thiết. Bởi, nếu những người phát hiện tiền đái tháo đường được điều trị tốt, hiệu quả sẽ góp phần giảm gánh nặng lên hệ thống y tế cơ sở và y tế chuyên sâu, từ đó nhân viên y tế có thể dành nguồn lực tốt hơn để quản lý những trường hợp đái tháo đường có biến chứng nặng thật sự cần thiết nhập viện.
Hải Ninh, Tuấn Anh – CDC