Chiều ngày 15/11, Sở Y tế Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến về hiến, ghép tạng từ người chết não cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh.
Tham dự lớp tập huấn có PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, TS.BS Phạm Gia Anh – Phó Giám đốc Trung tâm; GS.TS Nguyễn Quốc Kính – Phó Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam; đ/c Nguyễn Trọng Diện – Giám đốc Sở Y tế; đ/c Bùi Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở; lãnh đạo và chuyên viên các phòng chức năng thuộc Sở; đại diện lãnh đạo: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu; lãnh đạo và cán bộ phụ trách quản lý Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh cùng đại diện lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo khoa/phòng, cán bộ nhân viên y tế thực hiện công tác vận chuyển, xử trí cấp cứu dự họp tại các điểm cầu trực tuyến.
Ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não là rất cao, từ 50 – 60% và thậm chí là hơn 90%. Tuy nhiên ở Việt Nam số được ghép tạng rất hạn chế, đặc biệt là từ người cho chết não, chỉ 6%. Sau 32 năm ghép tạng, cả nước mới ghép được 8.536 ca, riêng năm 2022 và 2023 số lượng ghép cao nhất, mỗi năm 1.000 ca. Hiện cả nước cũng mới chỉ có hơn 80.000 người đăng ký hiến tạng và số lượng hiến tạng để ghép chủ yếu từ người sống (chiếm 94 – 95%), số người chết não hiến tạng thấp. Điều này đặt ra vấn đề trong công tác phát hiện, quản lý bệnh nhân chết não tiềm năng của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại khoa có bệnh nhân chết não, chết tim (khoa hồi sức tích cực), hoạt động vận chuyển cấp cứu cũng như việc thiết lập mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tạng sau chết/chết não với đội ngũ các tư vấn viên được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng mềm và tư vấn tâm lý thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ người hiến/bệnh nhân chết não tiềm năng, giúp mang đến cơ hội sống cho hàng ngàn người bệnh chờ ghép mô, tạng mỗi năm…
PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phát biểu tại buổi tập huấn
Phát biểu tại buổi tập huấn, PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết: Đối với người chết não, tình trạng sức khỏe thường chuyển biến rất nhanh nếu không hồi sức tốt, chức năng tạng nhanh bị suy, không thể lấy để ghép cho các bệnh nhân. Do đó, việc hồi sức chết não có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn tạng chất lượng. Để tạng ghép thành công, tạng được lấy ra phải tốt. Do vậy, từ khi chuyển bệnh nhân đến viện, bệnh nhân phải được hồi sức tốt từ hệ thống cấp cứu ngoại viện, cấp cứu 115. Hệ thống cấp cứu 115 tại Quảng Ninh được đánh giá là tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ nhất so với các điều kiện tiêu chuẩn đề ra. Với sự đầu tư đồng bộ cùng sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế hy vọng Quảng Ninh sẽ sớm triển khai việc lấy và ghép tạng trên địa bàn tỉnh.
Ts.BS Phạm Gia Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia trình bày báo cáo Tổng quan hiến, ghép tạng tại Việt Nam
Nội dung tập huấn tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Thực trạng hiến, ghép tạng tại Việt Nam; Vai trò của nhân viên 115 và hiến mô, tạng từ người chết; Chẩn đoán và hồi sức chết não; Tư vấn gia đình người chết não tiềm năng hiến mô, tạng; Quản lý bệnh nhân chết não tiềm năng và những quy định pháp luật về hiến, lấy và ghép mô tạng tại Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại buổi tập huấn
Đánh giá cao ý nghĩa của việc hiến mô tạng từ bệnh nhân chết não cũng như những giá trị mà buổi tập huấn mang lại, đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh đây không chỉ là cơ hội quý báu để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Quảng Ninh được nâng cao nhận thức, hiểu biết về hoạt động hiến, ghép tạng mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh. Thời gian tới, Ngành Y tế sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác phát hiện, tư vấn bệnh nhân chết não tiềm năng cũng như sự vào cuộc tích cực của hệ thống vận chuyển cấp cứu và cấp cứu ngoại viện, chung tay góp phần tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người từ người cho chết não, mở ra cơ hội được cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân đang mắc các bệnh về suy mô, tạng. Đồng chí cũng mong muốn Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của Quảng Ninh để có thể từng bước tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật lấy tạng, ghép tạng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Thanh Nga, Công Sơn (CDC)