Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong.
Ở trẻ em, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng có một số trẻ sẽ có biểu hiện nặng như: chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, suy hô hấp, suy tim, suy thận, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.
Theo các bác sỹ chuyên khoa cho biết, sốt xuất huyết Dengue có thể từ không triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch/nặng. Vì biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, thậm chí dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm, sốt thông thường nên cần theo dõi sát sao, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để nhanh chóng đến cơ sở y tế, can thiệp sớm giảm nguy cơ tử vong.
Dấu hiệu cảnh báo là quá trình chuyển nặng/nguy kịch, thường là ở giai đoạn sốt muộn hay còn gọi là giai đoạn hạ sốt. Khi nhiệt độ giảm xuống bình thường (bệnh nhân hạ sốt/ hết sốt, nhiệt độ < 38 độ C), là thời điểm các dấu hiệu NẶNG xuất hiện, có thể nguy hiểm đến tính mạng, liên quan đến thoát mạch (dịch/plasma thấm ra khỏi lòng mạch), ứ dịch (ở các khoang cơ thể như: khoang màng phổi gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng,…), tình trạng suy hô hấp/ khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể.
Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần chú ý:
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc và có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ có thể gặp các biến chứng nặng do nhầm lẫn triệu chứng, nhập viện và điều trị muộn, do đó, khi sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo qua từng giai đoạn, các bậc phụ huynh cần kịp thời nhận biết và có cách chăm sóc đúng và kịp thời:
Thời gian ủ bệnh: Khi bị muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) có mang virus Dengue đốt, virus sẽ theo đó xâm nhập vào máu. Trong thời gian này virus Dengue sẽ ở trong máu người từ 2-7 ngày, giai đoạn này người bệnh chưa có biển hiện gì đáng chú ý. Thời gian ủ bệnh không triệu chứng kéo dài từ 3-14 ngày (trung bình là 4-7 ngày). Thời gian ủ bệnh ngắn hay dài tùy vào cơ địa và sức đề kháng của từng người. Tuy nhiên, ở giai đoạn này hầu hết người bệnh sẽ không biết mình mắc bệnh vì không có triệu chứng rõ và đặc trưng.
Giai đoạn sốt: Giai đoạn sốt là giai đoạn bệnh xuất hiện những triệu chứng đầu tiên sau thời gian ủ bệnh. Người bệnh sẽ sốt liên tục 39 – 40 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, kèm các triệu chứng như: Mệt mỏi, đau họng, đau đầu, nhức hai bên hốc mắt, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy đau nhức các cơ khớp, xuất hiện dấu chấm đỏ xung huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi, … Đối với trẻ em khi bị sốt xuất huyết, triệu chứng đặc trưng và phổ biến nhất là sốt đi kèm đau họng và đau bụng. Sau 3 ngày trẻ sẽ hạ sốt, đến ngày thứ 8 có thể xuất huyết nhẹ với các triệu chứng nhẹ như: Chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi. Khi hạ sốt, trẻ có thể nổi các nốt ban ở thân, sau đó lan đến mặt, tay, chân, lòng bàn tay và gây ngứa.
Giai đoạn nguy hiểm: Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường diễn ra từ ngày 3-7 sau khi bị sốt ngày đầu tiên. Người bệnh có thể đã giảm sốt hoặc sốt cao, một số trường hợp có thể xuất hiện nhiễm trùng thứ phát với biểu hiện hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể đối mặt với những triệu chứng nặng như:
Thoát huyết tương: Triệu chứng xảy ra do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ). Người bệnh có biểu hiện sưng nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các triệu chứng vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹp, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
Xuất huyết: Xuất huyết dưới da là khi các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Người bệnh có thể chảy máu mũi, lợi, ra máu. Đối với nữ giới, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Cần lưu ý, những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc. Trong giai đoạn này người bệnh cần được chăm sóc tốt, quan sát kỹ các triệu chứng của bệnh, nếu có các triệu chứng trở nặng cần đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Giai đoạn phục hồi: Sau khi qua được giai đoạn nguy hiểm từ 1-2 ngày, người bệnh sẽ hết sốt, sức khỏe dần hồi phục, huyết áp ổn định, đi tiểu nhiều và cảm giác thèm ăn. Đồng thời, các chỉ số xét nghiệm dần trở về mức bình thường. Trong giai đoạn này, người bệnh vẫn cần được chăm sóc cẩn thận, đúng cách, không được lơ là các triệu chứng bất thường. Mặc dù người bệnh đã có biểu hiện hồi phục nhưng nếu xuất hiện các dấu hiệu lạ thì cần đi thăm khám ngay. Trong giai đoạn này, nếu không được chăm sóc kỹ (hoặc truyền dịch quá mức) người bệnh có thể bị phù phổi hoặc suy tim.

Sốt xuất huyết có thể gây nhiều biến chứng nặng ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời
Nếu có 1 trong 6 dấu hiệu dưới đây, trẻ mắc sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế:
– Đau bụng
– Li bì/ kích thích và nôn liên tục
– Thay đổi đột ngột: Đang sốt cao, trẻ hạ thân nhiệt.
– Trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi, miệng, tiểu máu, phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái.
– Chân tay trẻ lạnh, ẩm
– Đau bụng, ấn tức vùng bụng.
Theo các bác sĩ, việc phòng mất nước là rất quan trọng trong chăm sóc, điều trị trẻ sốt xuất huyết vì nguy cơ mất nước do sốt cao liên tục, nôn hoặc uống không đủ nước so với nhu cầu. Trong giai đoạn trẻ mắc bệnh và hồi phục, một số thực phẩm giúp trẻ hồi phục nhanh như: nước dừa, nước hoa quả giàu vitamin C, các loại rau xanh… Những thực phẩm nên tránh cho trẻ sốt xuất huyết ăn như: Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ; đồ uống có caffein, có ga; Gia vị cay…

Thường xuyên vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở để hạn chế sự phát triển của muỗi gây bệnh
Với những trường hợp điều trị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo tại nhà, ngoài việc chăm sóc trẻ thật tốt như: theo dõi nhiệt độ, dấu hiệu bệnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học… thì các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý những điều sau để trẻ sớm khỏi bệnh:
- Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, nếu nhận thấy trẻ sốt cao 39 – 40 độ kéo dài khó hạ, phải báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ nhập viện.
- Dùng thuốc hạ sốt paracetamol cho trẻ theo lời dặn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprofen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu ngoài ý muốn.
- Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%.
- Cho trẻ ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo loãng, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola…), bí đỏ, cà rốt… vì khó phân biệt khi trẻ có nôn hay đi tiểu có máu, từ đó bác sĩ sẽ phát hiện, xử trí kịp thời khi trẻ bị biến chứng do sốt xuất huyết gây ra.
- Cho trẻ uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) oresol, hydrite, hoặc nước cháo loãng… để tăng chất điện giải và tránh mất nước do sốt xuất huyết gây ra.
- Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đảm bảo vệ sinh da, vùng kín. Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm khi trẻ không sốt.
- Tuyệt đối không tắm gội, lau người trẻ bằng nước lạnh vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra rất nguy hiểm.
- Theo dõi sát tình trạng của trẻ, phát hiện sớm sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng như vật vã, li bì, lừ đừ, tay chân lạnh, da ẩm, hạ thân nhiệt, đau bụng, đau ngực, khó thở, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn nhiều, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu,… để nhập viện kịp thời.
Ai cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, trong đó trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai thì nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng sẽ cao hơn. Do đó, việc theo dõi các dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng là vô cùng quan trọng để kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị. Các dấu hiệu cảnh báo này thường bắt đầu trong 24 – 48 giờ sau khi hết sốt.
Hiện nay, thời tiết nắng nóng gia tăng, mặc dù dịch sốt xuất huyết vẫn đang được theo dõi và kiểm soát tốt tại nhiều địa phương nhưng nguy cơ quay trở lại và bùng phát của dịch bệnh vẫn rất cao. Do đó, để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, bác sĩ Nguyễn Thị Thuỷ Hương, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: “Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất là loại bỏ vật trung gian truyền bệnh đó là muỗi Aedes, chính vì thế việc người dân tham gia diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống là một biện pháp vô cùng quan trọng, hiệu quả và bền vững trong công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Để thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết mỗi người dân cần chung tay thực hiện những công việc như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng, cọ rửa và thay nước ít nhất 1 tuần 1 lần với các dụng cự chứa nước xô, chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước, đặc biệt lưu ý các loại cây cảnh thuỷ sinh trong nhà cần được thay nước và cọ rửa bình 1 tuần 1 lần…
Đồng thời với việc loại bỏ các ổ loăng quăng bọ gậy đó là người dân cũng cần phải phòng chống muỗi đốt: cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi. Nên mặc quần áo dài tăng đặc biệt khi làm vườn vào sáng sớm và chiều tối, ngủ mà kể cả ban ngày vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh hơn vào ban ngày, đặc biệt lúc sáng sớm và chiều tối. Sử dụng các loại thuốc bôi chống muỗi hoặc hương trừ muỗi trong những giờ muỗi thường cắn nhất (sáng sớm và chiều tối), hoặc phun hóa chất diệt muỗi định kì tại nhà.
Đối với những khu vực có ca bệnh sốt xuất huyết người dân cần phối hợp, tích cực tham gia và thực hiện theo khuyến cáo của cán bộ Y tế để tránh lây lan rộng, bảo vệ cho chính mình và người thân trong gia đình.
Đặc biệt khi có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.”
Ngọc Phượng (CDC)