Gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp, cha mẹ cần làm gì?

Giai đoạn chuyển mùa, khí hậu nóng ẩm khiến số lượng bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp đang có sự gia tăng. Đặc biệt tình trạng viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản cấp có suy hô hấp khiến nhiều trẻ phải nhập viện điều trị gây cản trở nhiều đến sinh hoạt gia đình.

Tại phòng khám Nhi- Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên trong thời gian gần đây mỗi ngày phòng khám tiếp nhận từ 30 – 40 trẻ, trong đó trẻ mắc bệnh lý đường hô hấp chiếm đa số.

Không chỉ lượng bệnh nhân tại khoa Khám bệnh gia tăng, trong vài tuần trở lại đây lượng bệnh nhi được nhập viện điều trị nội trú tại khoa Nhi cũng đang có sự gia tăng đáng kể so với trước đây. Đặc biệt có nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị khi đã ở tình trạng nặng.

Nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị khi đã ở tình trạng nặng

BSCKI Bế Thị Khang, Trưởng khoa Nhi cho biết: “Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng phải được theo dõi và điều trị tích cực. Việc lựa chọn các kháng sinh để điều trị cho trẻ cũng phải được các bác sĩ cân nhắc để phù hợp với tình trạng của trẻ, nhằm đạt hiệu quả cao trong điều trị”.

Biểu hiện trẻ bị viêm đường hô hấp

Những dấu hiệu đầu tiên mà cha mẹ có thể nhận biết khi trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp là trẻ sốt nhẹ, đôi khi kèm theo rét run.

Ngoài ra, trẻ sẽ bị hắt hơi, chảy mũi và ho. Cơn ho có thể chỉ là húng hắng, nhưng cũng có khi ho liên tục, nặng tiếng

Trẻ sẽ không muốn ăn do họng bị đau rát và khó nuốt.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được đánh giá mức độ bệnh. Nếu bệnh viêm đường hô hấp ở mức độ nhẹ và trung bình, cha mẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi và điều trị tại nhà.

Khi nào cần cho trẻ bị bệnh đường hô hấp nhập viện?

Tuỳ vào mức độ tổn thương, vị trí bị tổn thương mà bệnh có những biểu hiện khác nhau. Tuy vậy, bệnh có những biểu hiện chung nhất như sốt, ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực và những dấu hiệu nguy kịch khác.

Những dấu hiệu nguy kịch đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi là: bỏ bú hoặc bú kém, co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở rít khi nằm yên, sốt hoặc hạ thân nhiệt, thở khò khè.

Những trẻ trên 2 tháng tuổi đến 5 tuổi là không uống được, co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở rít khi nằm yên và suy dinh dưỡng nặng. Những dấu hiệu nguy kịch này không chỉ có trong viêm phổi mà còn trong các bệnh khác. Tuy nhiên, khi trẻ có ho, thở nhanh và có một trong các dấu hiệu này thì chứng tỏ trẻ đã bị bệnh rất nặng, cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Chủ động phòng ngừa bệnh viêm hô hấp theo mùa

Theo BSCKI Bế Thị Khang cho biết, trong thời gian gần đây tình hình lượng bệnh nhi gia tăng mang tính chất chu kỳ, do thời điểm này thời tiết chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng, thuận lợi cho một số vi khuẩn, vi trùng phát triển, đặc biệt là các chủng vi khuẩn, vi trùng trú ngụ ở đường hô hấp gây bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Theo đó, buổi sáng và tối thời tiết lạnh, phụ huynh cần biết cách giữ ấm cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh bằng cách: Cho trẻ mặc đồ ấm, không nên cho trẻ nằm máy lạnh nhiều, không để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột như đang chơi ở bên ngoài nắng rồi vào khu vực có máy lạnh ngay, hoặc ngược lại đang trong phòng kín có máy lạnh đi ra bên ngoài trời nắng. Không nên cho trẻ tắm ngay sau khi từ bên ngoài trở về nhà, không nên cho trẻ tắm lúc tối muộn. Không ôm hôn trẻ khi có biểu hiện cảm cúm.

Đối với trẻ sốt cao từ 2, 3 ngày trở lên, có biểu hiện ho nhiều, khò khè nhiều, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị. Cần lưu ý những biểu hiện cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám ngay là trẻ bị sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn bỏ uống, khó thở, thở mệt. Đây là những dấu hiệu nặng của bệnh lý viêm phổi.

Khám cho trẻ tại Trung tâm Y tế Tiên Yên

Về biện pháp phòng bệnh lâu dài, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất, ăn chín uống sôi. Đồ ăn được chế biến phải đảm bảo vệ sinh, tránh ăn các đồ lạnh, không nên cho trẻ uống nước đá. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần cho bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng cường hệ miễn dịch. Tránh tiếp xúc với những người hút thuốc lá; khói thuốc lá chứa nhiều chất độc, có thể gây khởi phát các cơn hen, suyễn.

Trẻ cần được hình thành và duy trì các thói quen tốt như rửa tay, rửa chân. Phụ huynh không nên tin vào các phương pháp tắm bằng cỏ cây, thảo dược được lan truyền trên mạng Internet bởi nguy cơ nhiễm trùng.

Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN