Đơn vị chủ quản: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh

Đơn vị chủ quản: Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh

Hóc dị vật – Mối nguy từ những thứ “vô hại”

Facebook
Skype
Email
Print

Trong thời gian gần đây, Khoa Nội Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận gia tăng các trường hợp bệnh nhân nhập viện do hóc dị vật đường hô hấp, bao gồm cả trẻ nhỏ, người trưởng thành và người cao tuổi. Các dị vật thường gặp bao gồm:

  • Hạt hồng xiêm, hạt na: thường gặp ở người lớn khi ăn trái cây chưa bỏ hạt kỹ.
  • Xương cá, xương gà: dễ mắc kẹt tại vùng hầu họng, thanh quản hoặc phế quản.
  • Kẹo cứng, thạch, hạt ngô rang: phổ biến ở trẻ em.
  • Dị vật khác như viên thuốc còn nguyên vỏ, nắp bút, nút áo…

Một số ca được chuyển đến trong tình trạng khó thở cấp, ho sặc, tím tái môi, phải tiến hành nội soi gắp dị vật cấp cứu, thậm chí đặt nội khí quản, thở máy trong các trường hợp nặng.

Theo BS. CKI Đinh Tuấn Anh – Phó Khoa Nội Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các trường hợp hóc dị vật nhưng đa số người bệnh đến muộn hoặc đã tự xử lý sai cách. Việc dùng mẹo dân gian như nuốt cơm, uống nước đầy bụng hay cố móc họng không những không hiệu quả mà còn có thể làm dị vật lọt sâu hơn, gây tổn thương niêm mạc, nhiễm trùng. Để phòng tránh các trường hợp tương tự, mọi người cần chú ý cẩn thận khi ăn uống và làm việc với các vật dụng nhỏ dễ nuốt. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về việc không tự ý điều trị tại nhà khi không may sặc dị vật vào đường thở và nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Kíp bác sĩ Khoa Nội Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp – BV tỉnh Quảng Ninh thực hiện nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân

Tại sao hóc dị vật lại nguy hiểm?

Khi dị vật lọt vào thanh quản hoặc khí quản, nó gây bít tắc đường thở một phần hoặc hoàn toàn, dẫn đến:

  • Suy hô hấp cấp, thiếu oxy mô.
  • Rối loạn nhịp tim, mất ý thức nhanh chóng.
  • Tử vong nếu không xử trí trong “thời gian vàng” (dưới 5 phút).

Ở trẻ nhỏ khí quản hẹp nên dị vật rất dễ gây tắc nghẽn hoàn toàn. Ở người lớn tuổi, phản xạ ho yếu và rối loạn nuốt do tuổi tác hoặc bệnh lý thần kinh càng làm tăng nguy cơ.

Triệu chứng hóc dị vật đường thở

Triệu chứng điển hình cấp tính (xảy ra ngay sau khi hóc)

  • Ho sặc dữ dội: phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm tống dị vật ra ngoài.
  • Khó thở, thở rít: thường gặp khi dị vật kẹt ở thanh quản hoặc khí quản.
  • Không nói được / không khóc được (ở trẻ nhỏ).
  • Tím tái môi, đầu chi: biểu hiện thiếu oxy nghiêm trọng.
  • Đau ngực, tức ngực: nhất là khi dị vật mắc sâu trong đường hô hấp.
  • Dấu hiệu ngưng thở – ngừng tim: nếu tắc nghẽn hoàn toàn và không được xử lý kịp thời.

Triệu chứng không điển hình khi dị vật không gây tắc hoàn toàn (dị vật nhỏ hoặc mắc sâu)

  • Ho khan hoặc ho kéo dài không rõ nguyên nhân.
  • Khò khè, thở rít, thở có tiếng.
  • Viêm phổi tái đi tái lại, điều trị không hiệu quả.
  • Giảm thông khí một bên phổi (nghe phổi thấy âm thở giảm một bên).
  • Sút cân, mệt mỏi kéo dài, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Trong những trường hợp nhẹ, các triệu chứng gặp phải có thể ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, bất kỳ ai có các triệu chứng tức thời của việc hít phải dị vật vẫn nên tìm kiếm sự trợ giúp khẩn cấp.

Sơ cứu hóc dị vật đường thở

      Đối với trẻ dưới 2 tuổi: Với bé nhỏ hóc dị vật đường thở hãy thực hiện các bước sơ cứu sau:

  • Bước 1: giữ trẻ nằm sấp lên mặt trong cẳng tay. Dùng bàn tay giữ đầu và ngực thẳng. Người sơ cứu có thể dùng đùi đỡ để giảm sức nặng trên cẳng tay.
  • Bước 2: hướng đầu bé thấp hơn ngực.
  • Bước 3: vỗ 5 lần với lực vừa phải, dứt khoát về phía trước tại vị trí giữa lưng ở 2 bên xương bả vai.
  • Bước 4: lật người bé lại kiểm tra xem dị vật đã thoát ra chưa.
  • Bước 5: nếu dị vật vẫn không ra hãy lật trẻ nằm ngửa.
  • Bước 6: đặt 2 ngón tay vào giữa ngực trẻ, dưới vú. Ấn mạnh 5 lần để đẩy không khí ra khỏi phổi trẻ, nhờ đó có thể đẩy được dị vật ra ngoài.

    Đối với trẻ trên 2 tuổi và người lớn: Khi có dấu hiệu hóc dị vật đường thở, hãy thực hiện các cách sau để lấy dị vật ra, gồm:

  • Ho mạnh: nếu mắc dị vật đường thở mức độ nhẹ, người bệnh hãy dùng sức ho thật mạnh.
  • Kỹ thuật vỗ lưng, ép ngực
    • Bước 1: người bệnh nghiêng về phía trước
    • Bước 2: đánh mạnh, dứt khoát, đẩy lực về phía đầu tại phần lưng giữa 2 xương bả vai. Đồng thời, tay còn lại hãy vỗ nhẹ trước ngực.
  • Nghiệm pháp Heimlich
    • Bước 1: người sơ cứu đứng phía sau, hơi lệch sang 1 bên so với người bệnh.
    • Bước 2: người sơ cứu vòng 2 tay qua eo người bệnh, 1 nay nắm chặt hình nắm đấm, 1 tay cầm chặt tay nấm đấm.
    • Bước 3: dùng lực ấn nhanh và mạnh vào trong, hướng lên trên.
    • Bước 4: thực hiện liên tục 5 lần để dị vật thoát ra ngoài.

Xử trí khi trẻ bị hóc dị vật

     Đối với trẻ trên 2 tuổi và người lớn: Khi có dấu hiệu hóc dị vật đường thở, hãy thực hiện các cách sau để lấy dị vật ra, gồm:

  • Ho mạnh: nếu mắc dị vật đường thở mức độ nhẹ, người bệnh hãy dùng sức ho thật mạnh.
  • Kỹ thuật vỗ lưng, ép ngực:
    • Bước 1: người bệnh nghiêng về phía trước
    • Bước 2: đánh mạnh, dứt khoát, đẩy lực về phía đầu tại phần lưng giữa 2 xương bả vai. Đồng thời, tay còn lại hãy vỗ nhẹ trước ngực.
  • Nghiệm pháp Heimlich:
    • Bước 1: người sơ cứu đứng phía sau, hơi lệch sang 1 bên so với người bệnh.
    • Bước 2: người sơ cứu vòng 2 tay qua eo người bệnh, 1 nay nắm chặt hình nắm đấm, 1 tay cầm chặt tay nấm đấm.
    • Bước 3: dùng lực ấn nhanh và mạnh vào trong, hướng lên trên.
    • Bước 4: thực hiện liên tục 5 lần để dị vật thoát ra ngoài.

Nghiệm pháp Heimlich

Nếu các phương pháp sơ cứu này không thành công, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được tiếp nhận và điều trị kịp thời. Trong quá trình đợi cấp cứu, người sơ cứu tiếp tục thực hiện xen kẽ phương pháp vỗ lưng ép ngực và nghiệm pháp Heimlich. Nếu bất tỉnh, hãy đặt người bệnh lên mặt phẳng và hồi sức tim phổi (CPR).

Hướng dẫn phòng ngừa hóc dị vật

Với trẻ em:

  • Cắt nhỏ thực phẩm thành miếng vừa ăn, tránh cho trẻ ăn nguyên hạt hoặc đồ cứng, bỏ hạt khỏi trái cây trước khi cho trẻ ăn.
  • Không để trẻ ăn khi đang chạy nhảy, nằm, cười đùa hoặc xem
  • Tập cho trẻ nhai kỹ, nuốt chậm, ăn trong tư thế ngồi thẳng.
  • Trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn kẹo cứng, hạt, thạch viên, bỏng ngô.
  • Không để các vật nhỏ trong tầm tay trẻ, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi.
  • Luôn có người lớn giám sát khi trẻ ăn hoặc chơi.
  • Hướng dẫn trẻ không cho vật lạ vào miệng, mũi, tai.

Với người lớn và người cao tuổi:

  • Ăn chậm, nhai kỹ, tránh nói chuyện khi ăn.
  • Loại bỏ hạt hoặc xương khỏi thực phẩm trước khi ăn.
  • Hạn chế ăn uống khi nằm hoặc đang mệt mỏi, say rượu.

Phòng ngừa tai nạn hóc dị vật không khó, chỉ cần cẩn trọng và hiểu đúng. Hãy chủ động phòng ngừa, ăn uống an toàn, theo dõi người thân đặc biệt là trẻ nhỏ và người lớn tuổi để bảo vệ an toàn cho sức khỏe của gia đình bạn.

Bs. Phương Anh – CDC 

 

 

 

cùng chuyên mục

bản tin y tế

Các mẹ cần biết

Bác sỹ gia đình

liên kết website

liên kết facebook

thống kê truy cập