Ngủ là nhu cầu sinh lý bình thường để cơ thể và thần kinh được nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, một số trường hợp có vấn đề trong lúc ngủ như tăng huyết áp, đột quỵ, loạt nhịp tim, đái tháo đường hay ngưng thở khi ngủ,…thì giấc ngủ trở thành nỗi lo sợ. Trong đó phải kể đến hội chứng ngưng thở khi ngủ, đây là hội chứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi đặc biệt là tuổi trung niên. Nếu chứng ngưng thở khi ngủ không được chữa trị sớm sẽ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây nguy cơ dẫn đến tử vong do thiếu oxy quá mức.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh khi đang ngủ có những cơn ngưng thở hoàn toàn, lặp lại ít nhất 10 lần trong mỗi giấc ngủ đêm. Thực tế bản thân người bệnh rất khó biết được mình mắc hội chứng này bởi nó chỉ xảy ra khi ngủ. Những người xung quanh nếu không chú ý cũng không thể phát hiện bệnh.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ có 3 thể bệnh khác nhau bao gồm: Ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương và ngưng thở hỗn hợp.
Trong đó, ngưng thở tắc nghẽn là thể bệnh thường gặp nhất phổ biến hơn ở nam giới. Tuy nhiên chỉ có khoảng 10% người bệnh đi khám và biết về tình trạng bệnh của bản thân để điều trị, còn lại hầu hết người bệnh đều sống chung với căn bệnh này cho đến khi biến chứng không may xảy ra.
Bản chất của hội chứng ngưng thở khi ngủ là do khi ngủ, lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra, gây nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn. Không khí đi qua vùng nghẽn bị hạn chế, làm giảm oxy trong máu và đánh thức phần não liên quan để kích hoạt hoạt động thở. Ban đầu cơ ngực sẽ phải hoạt động nhiều hơn để thông khí bù lại quãng thời gian bị ngưng thở. Sau khi hơi thở trở lại bình thường thì quy trình này lại lặp lại, khiến người bệnh bị ngưng thở khi ngủ lặp lại nhiều lần trong đêm.
Ông Nguyễn Văn Báu, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh chia sẻ: “Nhiều lúc thì không ngủ được. Ban ngày ngồi thì ngủ gật. Đôi lúc mình gật, mình ngã bươu cả đầu lên thì con cái nó vào nó mới đỡ dậy. Thế mà đôi lúc thiếp đi ngủ được một tí thì ngáy to lắm”.
Thông thường bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có triệu chứng như: Ngủ ngáy kèm theo ngừng thở, ngạt thở; buồn ngủ nhiều vào ban ngày;bhức giấc nhiều lần, đi tiểu nhiều lần trong đêm; đau đầu vào buổi sáng; giảm trí nhớ, giảm độ tập trung; thừa cân, béo phì, bất thường vùng hàm mặt; hay tăng huyết áp kháng trị.
Nếu không được điều trị sớm, hội chứng ngưng thở lúc ngủ gây ra những biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm trí nhớ, mất tập trung, đột tử trong đêm. Ở trẻ em, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tình trạng hiếu động thái quá, hay gây gổ, giảm thành tích học tập, tiểu dầm.
Nguyên nhân gây ra ngưng thở khi ngủ là do tắc nghẽn, ngưng thở xảy ra do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn trong khi ngủ (do lưỡi, các mô ở thành sau họng quá to hay bất thường về xương hàm). Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương là khi não không gửi được những tín hiệu thích hợp để điều khiển cơ hô hấp, trong những trường hợp người bệnh bị tổn thương não.
Để chẩn đoán xác định hội chứng ngưng thở khi ngủ, Ths.Bs Phan Thanh Nghĩa, Trưởng Khoa Hô hấp – Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Để chẩn đoán bệnh, chúng ta sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm, thăm khám các chuyên khoa có liên quan, ví dụ như tai mũi họng chẳng hạn, để kiểm tra đường thở trên của người bệnh có thông thoáng hay không. Sau đó, bệnh nhân sẽ có chỉ định đo đa ký hô hấp, đo đa ký giấc ngủ với mục đích là để chẩn đoán xác định. Ở bệnh viện chúng tôi đã triển khai Phòng khám chuyên gia về lĩnh vực y học giấc ngủ – hô hấp và miễn dịch dị ứng lâm sàng từ tháng 11/2023. Chúng tôi có mời các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, trong đó có GS. TSKH Dương Quý Sĩ, thầy là Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam. Thầy đã hỗ trợ chuyên môn cho chúng tôi. Hàng tháng vào một buổi thứ 7 cố định thầy sẽ trực tiếp thăm khám cho những bệnh nhân có nhu cầu. Chúng tôi cũng đã triển khai phòng đo đa ký giấc ngủ. Trang bị hệ thống máy đo đa lý hô hấp, đo đa ký giấc ngủ rất hiện đại. Khi người bệnh được chỉ định đo đa ký giấc ngủ sẽ đến đây với chúng tôi và chúng tôi sẽ tư vấn, hướng dẫn cách để người bệnh ngủ tại đây 1 đêm, đeo các thiết bị ghi lại các sự kiện trong giấc ngủ từ đó giúp chẩn đoán xác định. Qua đó chúng ta sẽ có hướng điều trị hiệu quả cho người bệnh”.
Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở tuổi trung niên, tăng dần theo tuổi, nam nhiều hơn nữ.
Những người có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ như: béo phì (nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ gấp 3 lần người bình thường); bất thường về cấu trúc đường hô hấp trên (phì đại amidan, hàm nhỏ, hàm ra sau, lưỡi quá to, tắc mũi…); nghiện rượu, sử dụng thuốc an thần, chất gây nghiện; trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ; đang mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, nhược giáp, suy tim, bệnh mạch máu não.
Người bị ngưng thở khi ngủ có nhiều khả năng bị mắc các bệnh lý như: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim; mắc bệnh lý mạch máu não, tăng hồng cầu trong máu, thậm chí tử vong. Ngoài ra việc ngủ ngày quá mức cũng có thể dẫn đến tai nạn lao động, tai nạn giao thông, giảm chất lượng cuộc sống.
Ngưng thở khi ngủ có nhiều phương pháp điều trị và sẽ được chỉ định tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân. Ths.Bs Phan Thanh Nghĩa, Trưởng Khoa Hô hấp – Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết:“Khi bệnh nhân được chẩn đoán xác định hội chứng ngưng thở, tắc nghẽn khi ngủ rồi. Tuỳ theo nguyên nhân mà chúng ta có thể tìm kiếm, trong quá trình thăm khám chúng ta sẽ có cách xử trí phù hợp. Ví dụ như một số bệnh nhân người ta bị Amidan quá phát hoặc VA quá phát thì lúc đấy các can thiệp của tai mũi họng sẽ là cái phương án điều trị tối ưu để giúp cho đường thở thông thoáng. Sau đó có một số bệnh nhân phải can thiệp thở máy, áp lực dương liên tục. Khi ngủ người bệnh phải đeo một cái thiết bị thở để giữ cho đường thở thông thoáng trong quá trình ngủ, giúp cho oxy, không khí lưu thông tốt trong quá trình ngủ của người bệnh”.
Để phòng ngừa hội chứng ngưng thở khi ngủ, những trường thừa cân béo phì thì việc giảm cân không chỉ quan trọng với hội chứng ngưng thở khi ngủ mà còn với các bệnh lý khác như rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, huyết áp… Còn những trường hợp có kèm theo bất thường về giải phẫu như bất thường hàm mặt, lưỡi gà rủ quá thấp cần có can thiệp về chuyên khoa.
Thay đổi lối sống có thể làm nhẹ bớt triệu chứng ngưng thở khi ngủ: giảm cân nặng (giảm cân rất quan trọng vì có thể giảm độ nặng hoặc có thể chữa được ngưng thở khi ngủ); tránh uống rượu; ngưng các thuốc an thần và chất gây nghiện; ngưng thuốc lá; thay đổi tư thế ngủ (quay đầu giường lên cao 10cm, tránh nằm gối cao; một số bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ nhẹ hay ngáy to có thể nằm nghiêng để giảm các vấn đề về hô hấp).
Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN