Họp bàn xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập liên ngành Y tế – Thú y điều tra, xử lý ổ dịch dại tại Quảng Ninh

Ngày 27/11/2024, tại TP.Hạ Long, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức buổi họp bàn xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập liên ngành Y tế – Thú y điều tra, xử lý ổ dịch dại tại Quảng Ninh.

Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trưởng Văn phòng Dại Quốc gia thuộc Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương; đại diện lãnh đạo và các cán bộ của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh. Về phía ngành Y tế Quảng Ninh có BSCKI Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế; lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh; lãnh đạo Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu.

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các khu vực miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%, đối với cả người và động vật. Tuy nhiên, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Tỉnh Quảng Ninh giai đoạn từ 2017- 2024 ghi nhận 9 trường hợp mắc dại, đồng thời ghi nhận 25 ổ dịch dại trên động vật tại 9/13 địa phương. Trong đó huyện Bình Liêu là địa phương ghi nhận số ổ dịch dại trên động vật cao nhất với 8 ổ tại 6/7 xã, thị trấn. Nhận thấy tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Bình Liêu nói riêng là địa phương có lưu hành bệnh dại, nguy cơ lây truyền bệnh dại sang người vẫn còn đe dọa. Để tăng cường năng lực phòng chống bệnh dại cho địa phương, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống bệnh dại, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức hoạt động diễn tập “phối hợp liên ngành Y tế- Thú y điều tra và xử lý ổ dịch dại nhằm tăng cường năng lực hệ thống phòng chống bệnh dại’’.

Theo đó, buổi diễn tập sẽ có 4 nội dung chính gồm: Diễn tập người dân bị chó nghi dại cắn đến tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại tại phòng tiêm chủng Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu. Ghi nhận và báo cáo sự kiện EBS tại phòng tiêm chủng; Diễn tập xác minh sự kiện và phối hợp liên ngành trong điều tra, giám sát, xử lý sự kiện chó nghi dại cắn người; Diễn tập triển khai các biện pháp phòng bệnh trên người, truyền thông, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chó và tiêm phòng cho đàn chó nguy cơ tại địa phương; Diễn tập chỉ đạo điều hành trong xử lý ổ dịch dại sau khi mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính.

Địa điểm diễn tập được bố trí tại Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, Trạm Y tế thị trấn Bình Liêu, Ủy ban nhân dân thị trấn Bình Liêu; Hộ gia đình giả định tại khu A thị trấn Bình Liêu (địa điểm do địa phương chủ động bố trí). Thời gian luyện tập dự kiến diễn ra vào ngày 17/12/2024, thời gian diễn tập là ngày 18/12/2024 và sẽ có khoảng 35 người tham gia diễn tập.

Tại buổi làm việc, các bên đã thống nhất nội dung kế hoạch và tổ chức diễn tập: Về bối cảnh cần có 1 tổng đạo diễn, 5 thư ký hiện trường, 1 MC làm theo diễn biến sự việc hay từng đoạn cảnh 5 vị trí. Thành lập Ban chỉ đạo (Ban tổ chức) diễn tập có lãnh đạo Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng ban, 2 lãnh đạo Sở Y tế và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn làm tổ, tiểu ban gồm đầy đủ các thành phần như tiểu ban sự kiện, tiểu ban hậu cần, tiểu ban truyền thông,…Về nội dung, CDC Quảng Ninh và Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu xây dựng kịch bản gửi Ban chỉ đạo. Địa điểm luyện tập được lựa chọn là Nhà văn hoá tại Bình Liêu,…

PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trao đổi tại buổi làm việc
BSCKI Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh trao đổi phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
TS Vũ Quyết Thắng, Giám đốc CDC Quảng Ninh phát biểu trao đổi tại buổi làm việc

Buổi diễn tập sẽ là buổi thực nghiệm giúp cho các đơn vị y tế và nông nghiệp thực hành tốt kỹ năng phát hiện sự kiện, điều tra, thu thập thông tin, báo cáo, chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý dịch; thực hành tốt khả năng điều hành, chỉ đạo của ban lãnh đạo trong tổ chức, điều phối các hoạt động phòng chống dịch; thực hành tốt hoạt động truyền thông phòng chống bệnh dại cho cộng đồng và rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện hoạt động đáp ứng chống dịch tuyến huyện.

Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN