Nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của chính quyền và cộng đồng đối với hoạt động phòng chống dại, Liên minh Phòng chống bệnh dại Thế giới đã lựa chọn ngày 28 tháng 9 hàng năm là “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại”.
Nhân dịp này, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực như mít tinh diễu hành, truyền thông tại trường học, trạm y tế, hộ gia đình, cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại trên người và động vật.
TTYT Thành phố Cẩm Phả tổ chức diễu hành tuyên truyền Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại 28/9/2024
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 60.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắcxin phòng dại. Với con số đó, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Với tính chất nguy hiểm của bệnh dại, thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại đã được các cấp chính quyền, các Bộ, ban, ngành quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp với số ca tử vong cao. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 68 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Nâng cao ý thức của người dân trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời là một trong những giải pháp giảm thiểu mức độ nguy hiểm của căn bệnh này đến sức khỏe
Tại Quảng Ninh, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của Ngành Y tế, đặc biệt là công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, chỉ đạo các đơn vị có liên quan về chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời cũng như giám sát việc thực hiện công tác tiêm phòng vaccine dại và huyết thanh kháng dại cho người… nên tình hình bệnh dại được kiểm soát tốt. Mặc dù vẫn là tỉnh có lưu hành vi rút dại, tuy nhiên số ca mắc bệnh dại những năm gần đây giảm đi rõ rệt. Đặc biệt từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca tử vong do dại dù đã ghi nhận tới 10 ổ dịch dại trên động vật.
Hiện nay, toàn tỉnh có 43 điểm tiêm vắc xin phòng dại (tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố) và 10 điểm tiêm huyết thanh kháng dại, tiến tới đến năm 2030, 100% các huyện, địa phương trên địa bàn sẽ có điểm tiêm huyết thanh kháng dại. Những điểm tiêm này đang và sẽ góp phần quan trọng giúp nhân dân được tiếp cận sớm với tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại, dự phòng hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
Tuyên truyền kiến thức về bệnh dại tại các Trạm y tế cơ sở
Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2030, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành y tế mà cần có sự cam kết và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp cùng với việc phân bổ nguồn lực thích hợp cho công tác phòng, chống dại cũng như sự tham gia của cả cộng đồng. Loại trừ bệnh dại chỉ có thể đạt được nếu chúng ta quản lý tốt đàn chó, và ít nhất 70% tổng đàn chó thực tế được tiêm phòng đầy đủ.
Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại 28/9 là một cơ hội nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân về phòng chống bệnh dại, tăng cường phối hợp liên ngành theo hướng tiếp cận “Một Sức Khỏe” và kêu gọi sự hợp tác, cam kết của cộng đồng cũng như các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng tham gia để đẩy lùi căn bệnh này.
Tuyên truyền phòng chống bệnh dại trong trường học
Tuyên truyền phòng chống bệnh dại trong trường học
Quỳnh Trang (CDC QN)