Ngày 18/6/2024, CDC Quảng Ninh ban hành công văn số 1111 /TTKSBT-SKSS về việc triển khai Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024, đề nghị đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Đối với Bệnh viện tuyến tỉnh/huyện/thị xã/thành phố và các Trung tâm y tế :
- – Tuân thủ Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo;
- – Thực hiện Thông tư số 38/2016/TT- BYT ngày 31/10/2016 quy định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- – Duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ sau sinh về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho con bú đúng, bú hoàn toàn trong 6 tháng, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ.
- – Thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, đảm bảo nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý cần được hỗ trợ để được tiếp cận với nguồn sữa mẹ.
- – Thực hiện theo Quyết định số 5175/QĐ-BYT ngày 9/11/2021 của Bộ Y tế phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”.
- – Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố: tham mưu UBND huyện/thị xã /thành phố phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các khu công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế – Chỉ đạo, hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn, huy động sự tham gia ủng hộ của cộng đồng, triển khai các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ”.

Ngân hàng sữa mẹ tại bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh
Đối với Tuyến xã/phường/thị trấn:
1.- Tăng cường hoạt động truyền thông tư vấn, phối hợp nhiều hình thức truyền thông trực tiếp và gián tiếp:
+ Sử dụng hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn đưa các tin, bài về nuôi con bằng sữa mẹ.
+ Lồng ghép hoạt động tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ tại cơ sở y tế và cộng đồng với các hoạt động khác như: Tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ trong đợt cân trẻ, thăm hộ gia đình, thực hành dinh dưỡng, các buổi khám bệnh, tiêm chủng cho trẻ tại trạm y tế xã, phường, thị trấn…
+ Treo băng rôn, khẩu hiệu…với các nội dung về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; duy trì nguồn sữa mẹ đến 24 tháng tuổi, bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh…
2. – Tăng cường thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (EENC) để góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 01 giờ đầu sau sinh.
Bú mẹ là cách tốt nhất và an toàn nhất để nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã khuyến cáo tất cả các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 06 tháng đầu. Hiện nay, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu khá thấp ở nhiều quốc gia. Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, tại Việt Nam, tỷ lệ này được ước tính là 22,7% năm 2015 và 45,4% năm 2020. Đây là con số đáng lo ngại và chính điều này trở thành nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của thế hệ mầm non tương lai của thế giới và Việt Nam.
Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ từ ngày 01/8 đến 07/8 hàng năm, được các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM). Với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách – Hỗ trợ Nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ – Kết nối vòng tay yêu thương”, Tuần lễ thế giới NCBSM năm nay tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp để không một bà mẹ nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh