Huyện Bình Liêu tập huấn kiến thức và kỹ năng phòng chống bệnh Dại

Ngày 31/8/2023, UBND huyện Bình Liêu phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tổ chức lớp tập huấn cập nhật, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng chống bệnh Dại cho hơn 300 học viên là đội ngũ cán bộ chuyên trách, thông tin tại UBND xã/thị trấn, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, Khu phố/thôn/bản và Trạm Y tế các xã/thị trấn trên địa bàn huyện.

Quang cảnh lớp tập huấn

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ động vật sang người, thông qua tiếp xúc trực tiếp với những chỗ da bị trầy xước của người. Nguyên nhân lây truyền chủ yếu là do chó cắn (chiếm 96%), tiếp theo là mèo và một số động vật hoang dã. 100% các trường hợp mắc dại đều tử vong do chưa có thuốc điều trị. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 41 trường hợp tử vong do dại tại 19/63 tỉnh/thành phố, cao hơn 16 trường hợp so với cùng kì năm 2022. Theo số liệu giám sát của CDC Quảng Ninh, trong 8 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 8 ổ dịch dại trên chó tại Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ và 1 trường hợp tử vong do dại tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Trong đó, riêng tại địa bàn huyện Bình Liêu ghi nhận 04 ổ dịch dại tại 3 xã, gây nhiều tai nạn nguy hiểm cho người dân. Nhận thức của người dân về bệnh Dại vẫn còn nhiều hạn chế, do đó, công tác truyền thông trong vận động, thay đổi hành vi và nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh Dại là hết sức quan trọng, có thể coi là điều kiện tiên quyết trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Tại lớp tập huấn, học viên đã được các giảng viên của CDC Quảng Ninh và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp thông tin về tình hình bệnh Dại tại Quảng Ninh và Bình Liêu; Hướng dẫn giám sát phòng chống bệnh Dại trên người, chẩn đoán bệnh Dại ở động vật; Hướng dẫn xử lý vết thương khi bị động vật nghi Dại cắn; Các biện pháp điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng Dại; Công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người; Công tác phối hợp Y tế – Thú y trong phòng chống bệnh Dại và xử lý ổ dịch.

Bên cạnh việc cập nhật, phổ biến kiến thức mới, học viên tham dự còn được hỗ trợ giải đáp những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong quá trình tiếp cận và triển khai hoạt động tại địa phương. Qua đó, từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tiến tới mục tiêu khống chế và loại trừ hoàn toàn bệnh Dại trên đại bàn huyện.

Thanh Nga (CDC)