Thực hiện kế hoạch số 37/KH-UBND, ngày 09/5/2023, UBND huyện Đầm Hà phối hợp cùng Trung tâm Y tế (TTYT), Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp (TT DVKTNN) huyện tổ chức tuyên truyền và tập huấn chương trình phòng chống bệnh Dại năm 2023.

Các học viên tham dự tại xã Đại Bình.
Nội dung nhằm thực hiện “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn huyện Đầm Hà giai đoạn 2022 – 2030”. Mục tiêu của chương trình là nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại; nâng cao, củng cố trình độ chuyên môn cho cán bộ và lượng tham gia công tác phòng chống bệnh Dại; hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh và hướng dẫn xử lý vết thương khi bị động vật nghi Dại cắn.
Chương trình được thực hiện trong 09 ngày, với đối tượng được tập huấn là lãnh đạo, cán bộ, công chức UBND xã, thị trấn, khu phố, thôn, bản, cán bộ tại trạm y tế; tổng số lượng 334 học viên.

Các học viên được thông tin nhiều nội hữu ích về phòng chống bệnh Dại.
Tại buổi tập huấn, các giảng viên Khoa kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS- YTCC-ATTP – DD (TTYT huyện) và TT DVKTNN đã thông tin tới học viên về tình hình bệnh Dại tại huyện Đầm Hà nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung; hướng dẫn giám sát phòng chống bệnh Dại trên người; hướng dẫn xử lý khi bị động vật nghi Dại cắn; các biện pháp điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng Dại,…
Ông Nguyễn Đăng Chiến (thôn Xóm Khe, xã Đại Bình), học viên tham gia buổi tập huấn cho biết: “Đây là nội dung rất bổ ích cho người dân chúng tôi. Mọi người thường chủ quan khi bị động vật cắn. Thông qua buổi tập huấn tôi đã nâng cao được ý thức phòng chống bệnh cũng như biết cách xử lý khi gặp phải”.

Cán bộ TTYT huyện Đầm Hà đến nhà người dân tuyên truyền về phòng bệnh Dại.
Trong 5 năm qua bệnh Dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh Dại. Nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.
Vì vậy, cần tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế đề được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời. Bên cạnh đó, truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Tuấn Anh – CDC Quảng Ninh