Khảo sát đánh giá gánh nặng bệnh cúm và COVID-19 tại Quảng Ninh giai đoạn 2017 – 2022

Ngày 6/2/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTW) làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh về việc triển khai hoạt động giám sát trọng điểm hội chứng cúm trong năm 2023 và đánh giá gánh nặng bệnh cúm thông qua các trường hợp nhập viện (HAS).

Dự buổi làm việc có Tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (KSBTN) cùng các cán bộ khoa KSBTN (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương); các lãnh đạo và cán bộ khoa KSBTN, Hoá sinh, Vi sinh (CDC Quảng Ninh).

Đại diện lãnh đạo khoa chuyên môn của CDC Quảng Ninh làm việc với đoàn công tác khoa KSBTN, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa KSBTN, Viện VSDTTW cho biết: Việc thực hiện Giám sát trọng điểm hội chứng cúm (HCC) nhằm mục tiêu mô tả đặc điểm dịch tễ các trường hợp cúm theo các yếu tố thời gian, địa điểm và con người; xác định đặc tính kháng nguyên, tính kháng thuốc, đặc điểm di truyền của các chủng vi rút cúm lưu hành và phát hiện sớm các chủng vi rút cúm mới; và cung cấp thông tin cho việc đánh giá gánh nặng bệnh cúm, dự báo dịch bệnh cúm và chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát cúm toàn cầu.

Kết quả giám sát trọng điểm hội chứng cúm (HCC) đã cung cấp nhiều thông tin về dịch tễ học, vi rút học cần thiết cho việc lập kế hoạch, hướng dẫn, định hướng cho các hoạt động và chính sách phòng chống bệnh cúm tại Việt Nam, nhất là khi tình hình các chủng vi rút cúm có tỷ lệ đột biến cao và tạo ra một chủng cúm mới, đe dọa cho sức khỏe con người, có thể gây dịch lớn và đại dịch trong những năm gần đây, điển hình là dịch COVID-19.

Tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)

Hiện nay, hệ thống giám sát cúm quốc gia của Việt Nam bao gồm 8 điểm giám sát. Qua đánh giá về đặc điểm dân cư, kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây, cùng với hệ thống dự phòng và điều trị đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu như: có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, khả năng thực hiện các hoạt động chuyên môn giám sát trọng điểm, có khả năng duy trì lâu dài các hoạt động giám sát, có thể lồng ghép giám sát các bệnh truyền nhiễm khác và có lưu lượng bệnh nhân đến khám đủ lớn, Viện VSDTTW đề xuất Bộ Y tế đưa Quảng Ninh trở thành 1 trong những điểm giám sát HCC trong năm 2023 và dự kiến có thể trở thành điểm giám sát HCC trọng điểm Quốc gia.

Cũng tại  buổi làm việc, Viện VSDTTW và CDC Quảng Ninh đã thảo luận kế hoạch đánh giá gánh nặng bệnh cúm thông qua các trường hợp nhập viện (HAS). Theo đó, đoàn khảo sát do CDC Quảng Ninh làm đầu mối sẽ tiến hành khảo sát các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) để đánh giá gánh nặng bệnh tật cúm và COVID-19 tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 – 2022.

Thời gian triển khai dự kiến từ tháng 6 -7/2023 tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 2 bệnh viện tuyến huyện và 10 TTYT 2 chức năng.

Quỳnh Trang – Tiến Đạt (CDC Quảng Ninh)