Kiểm tra, giám sát chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ tại Quảng Ninh

Ngày 2/6/2023, đoàn công tác của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) do PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát Chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đợt I năm 2023 tại một số Trạm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp và làm việc với đoàn có bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh; chuyên viên Sở Y tế; lãnh đạo, cán bộ chuyên môn Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng (CDC Quảng Ninh) cùng lãnh đạo và cán bộ chuyên trách chương trình Dinh dưỡng Trung tâm Y tế thành phố Hạ Long. 

Giám sát quá trình khám sàng lọc và cho trẻ uống vitamin A

Đoàn công tác tiến hành kiểm tra, giám sát tại 02 đơn vị: Trạm Y tế phường Hùng Thắng và Trạm Y tế xã Vũ Oai (thành phố Hạ Long). Nội dung kiểm tra chủ yếu về công tác chuẩn bị và triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A đợt I/2023 tại 2 điểm uống; Hoạt động tuyên truyền, phối hợp của địa phương với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai chiến dịch; Quy trình tổ chức uống vitamin A tại cộng đồng và sự tham gia của người dân khi phát động chiến dịch; Tiến hành phỏng vấn, lấy ý kiến của cha mẹ và cán bộ trực tiếp cho trẻ uống Vitamin A. Dự kiến, trong chiến dịch này, toàn tỉnh có khoảng 46.533 trẻ từ 6 – 35 tháng tuổi được uống Vitamin A đợt I, trong đó số trẻ tại thành phố Hạ Long là 3.958 trẻ. Tính đến hết ngày 1/6/2023, tiến độ triển khai chiến dịch tại 12/13 địa phương trên địa bàn tỉnh là hơn 80%, thành phố Hạ Long đạt trên 90%. Trong ngày hôm nay, các địa phương sẽ hoàn tất việc uống vét cho trẻ, đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đoàn công tác làm việc tại Trạm Y tế phường Hùng Thắng

Qua kiểm tra thực tế và ghi nhận những đóng góp của người dân đưa trẻ tới uống Vitamin A tại Trạm, đoàn đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như sự nỗ lực của các cán bộ y tế cơ sở trong việc triển khai hiệu quả Ngày vi chất dinh dưỡng dù thời gian chuẩn bị trước chiến dịch ngắn hơn so với mọi năm. Việc tổ chức hoạt động diễn ra quy củ, bài bản; các cán bộ tại trạm cũng cơ bản nắm được những thông tin và kỹ năng cần thiết; công tác vệ sinh, giấy tờ, sổ sách và kế hoạch liên quan được thực hiện tương đối đầy đủ.

Đoàn công tác làm việc, rút kinh nghiệm sau kiểm tra thực tế tại CDC Quảng Ninh

Tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất tại một số trạm còn nhiều hạn chế, địa phương cần rà soát lại để đề xuất với Bộ Y tế cấp phát bổ sung một số dụng cụ đo cân nặng và chiều cao của trẻ, thay thế những đồ dùng cũ, không đảm bảo chất lượng và độ chính xác khi thực hiện. Bên cạnh đó, tài liệu phục vụ truyền thông trực tiếp tại Trạm còn thiếu, việc kiểm soát, phân loại và bảo quản tài liệu cũng còn nhiều hạn chế, do đó địa phương cần có phương án bổ sung, tăng cường hoặc thay thế phù hợp; Chú trọng công tác thống kê, báo cáo để nắm được số lượng tồn, dư của thuốc, từ đó có phương án đề xuất, cấp bổ sung hợp lý. Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đoàn đã kiến nghị đơn vị cần có kế hoạch tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn thường xuyên cho cán bộ, nhân viên tại trạm với nội dung thay đổi linh hoạt, gắn với thực tiễn nhiều hơn là mang tính lý thuyết…

Cảm ơn những góp ý của đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc CDC Quảng Ninh cho biết đơn vị sẽ tiếp thu và bổ sung với những vấn đề còn thiếu sót, đồng thời đề nghị Viện và Bộ Y tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới để hỗ trợ địa phương khắc phục những vướng mắc tồn tại. Giao nhiệm vụ cho Khoa KSBKLN&DD rà soát lại tất cả các trạm về số lượng và chất lượng cân, thước đo chiều cao trẻ, nhanh chóng tổng hợp và có đề xuất cụ thể; Xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, giám sát sau chiến dịch, nhất là các địa phương có tỷ lệ hoàn thành cao để xác thực về chất lượng thực hiện; Có số liệu báo cáo, thông kê cụ thể kết quả thực hiện trước, trong và sau chiến dịch làm tiền đề thực hiện cho những chiến dịch tiếp theo.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm với cán bộ tại trạm y tế

Thanh Nga (CDC)