Kỷ niệm 34 năm Ngày Điều dưỡng Việt Nam 26/10 – Ngày tôn vinh nghề điều dưỡng

Ngày 26/10/1990 Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức đại hội thành lập tại Hội trường Ba Đình theo Quyết định số 375/HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Từ đây, đội ngũ Y tá – điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật viên y học (gọi chung là điều dưỡng) có một tổ chức Hội nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân, hoạt động trên phạm vi cả nước nhằm mục đích: “Đoàn kết, xây dựng phát triển nghề điều dưỡng vì sức khỏe cộng đồng, vì sự tiến bộ của người điều dưỡng”.

Chiếm tỷ lệ 70% tổng số nhân lực trong bệnh viện, điều dưỡng được ví là một trong những trụ cột của hệ thống y tế. Họ là những người luôn song hành với bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, đồng thời, họ là những người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến sức khỏe tinh thần. Sự ân cần của những người điều dưỡng giúp bệnh nhân an tâm hơn trong quá trình điều trị.

Nhận định về vai trò của công tác điều dưỡng, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định: “Điều dưỡng là một mắt xích quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do người điều dưỡng – hộ sinh cung cấp tác động lớn tới sự hài lòng của người bệnh” và đưa ra khuyến cáo “Ở bất cứ quốc gia nào, muốn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe thì phải chú ý phát triển công tác điều dưỡng”.

Điều dưỡng là những người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến sức khỏe tinh thần

Trong sự phát triển của y học hiện nay, điều dưỡng viên không chỉ là người thực hiện theo các y lệnh của bác sĩ mà họ chính là người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến chăm sóc tinh thần. Ở những khu điều trị đặc biệt, các điều dưỡng còn thay thế hoàn toàn người nhà chăm sóc bệnh nhân từ hút đờm dãi, thay bỉm, vệ sinh cá nhân, tắm gội, đánh răng, rửa mặt, cho ăn… Nhìn công việc mà các điều dưỡng phải làm hằng ngày, sẽ thấy thực sự khâm phục họ bởi phải tận tâm với người bệnh mới có thể thực hiện được.

Với vai trò quan trọng là thế, tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng/1 vạn dân tại Việt Nam là 14 người, mỗi một bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên thế giới. Lực lượng điều dưỡng đang thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là tại các cơ sở y tế tuyến cuối, khiến những áp lực kể cả về công việc lẫn tâm lý đã trở thành những nỗi lo thường trực của các điều dưỡng, lúc nào không hay.

Vượt qua áp lực công việc, những người điều dưỡng luôn tận tâm, thương yêu người bệnh

Tại Quảng Ninh, mặc dù tỷ lệ điều dưỡng trên 1 vạn dân cao hơn mức trung bình toàn quốc (24 điều dưỡng/1 vạn dân) nhưng vẫn cần rất nhiều nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực. Cùng với đó, ngành Y tế Quảng Ninh cũng chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ điều dưỡng, cũng như quan tâm động viên, ghi nhận, khen thưởng kịp thời đối với sự đóng góp quan trọng của lực lượng này.

Hiện nay, Hội Điều dưỡng tỉnh Quảng Ninh đã phát triển với quy mô hơn 3300 hội viên, là 1 trong 68 hội thành viên thuộc Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam, trong đó trình độ sau đại học và Đại học chiếm 33,84%, còn lại là Cao đẳng. Hoạt động của Hội điều dưỡng luôn gắn liền với các phong trào của ngành y tế như: Chăm sóc người bệnh toàn diện, các hội thi Điều dưỡng giỏi – thanh lịch, Giao tiếp tốt, Tiêm an toàn, Quản lý chất lượng, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Điều dưỡng.. v.v.. đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu chung của ngành y tế.

Trong hoạt động của hội Điều dưỡng đã nổi bật lên nhiều cá nhân, tập thể điển hình như Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Thụy Điển -Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, BV Sản Nhi,  Bệnh viện Bãi Cháy, TTYT Móng Cái. Trong năm có 2023 và đến tháng 10 năm 2024, có 03 cá nhân được tặng Bằng khen của Hội Điều dưỡng Việt Nam, 17 cá nhân được nhân bằng khen của UBND  tỉnh và tương đương, 548 hội viên dược tặng Giấy khen của Sở Y tế, 86 Hội viên được tăng danh hiệu chiến sỹ thi đua; Hội viên các chi hội tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, 01 đề tài đã đạt giải nhất trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, nhiều đề tài được được đăng trong kỷ yếu và tập san khoa học của Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam. Đây là động lực tinh thần lớn lao để đội ngũ điều dưỡng không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện, phấn đấu nâng cao chất lượng chăm sóc, vì sự hài lòng của người dân.

Các điều dưỡng Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần luôn tận tình chăm sóc người bệnh như người thân trong gia đình

Bước vào ngành y, nhiều điều dưỡng xem nghề đã chọn là “công việc từ trái tim”. Áp lực công việc là thế, nhưngnhững người điều dưỡng vẫn ngày ngày cần mẫn, hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân. Sự ân cần của họ giúp bệnh nhân an tâm hơn trong quá trình điều trị. Ngược lại, sự hồi phục của bệnh nhân, sự thấu hiểu, chia sẻ của gia đình người bệnh cũng chính là động lực lớn nhất để những người điều dưỡng vững tin và gắn bó với công việc của mình.

Tại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, với những đối tượng bệnh nhân rất đặc biệt – nhiều trường hợp mất năng lực hành vi, mất khả năng nhận thức, việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tâm thần là một công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần nguy hiểm.

Chị Bùi Thanh Thủy, Điều dưỡng trưởng khoa Cấp tính, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe Tâm thần – người đã có 17 năm gắn bó với người bệnh tâm thần, chia sẻ: Các bệnh nhân tâm thần là những con người dễ bị tổn thương trong xã hội, luôn bị dày vò bởi bệnh tật. Có bệnh nhân liên tục chìm trong trạng thái không bình thường, có bệnh nhân tấn công cả nhân viên y tế…. Vì vậy, để chăm sóc những bệnh nhân này đòi hỏi ở mỗi người điều dưỡng phải yêu nghề, yêu người, hết lòng tận tụy vì người bệnh, không dao động trước bất cứ tình huống nào, xem bệnh nhân như người thân trong gia đình mới có thể gắn bó lâu dài với công việc này.

Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tổ chức Hội thi Rung chuông vàng chào mừng kỷ niệm Ngày điều dưỡng Việt Nam

Kỷ niệm Ngày Điều dưỡng Việt Nam năm nay, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng, như một sân chơi bổ ích nhằm ôn lại truyền thống ngành điều dưỡng Việt Nam, trau dồi kiến thức nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh của đội ngũ điều dưỡng viên trong Bệnh viện, đồng thời cũng tạo ra những phút giây thư giãn, giao lưu sôi nổi giữa các cán bộ điều dưỡng và các đồng nghiệp trong đơn vị, giúp xua tan bớt mệt mỏi và áp lực của công việc thường nhật.  

Tại tất cả các đơn vị y tế trong toàn tỉnh đều triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức mít tinh Kỷ niệm ngày Điều dưỡng Quốc tế, Tọa đàm về công tác Điều dưỡng; Tặng hoa chúc mừng đội ngũ điều dưỡng viên…

Lãnh đạo TTYT Thị xã Quảng Yên tặng hoa chúc mừng tập thể cán bộ điều dưỡng

Các hoạt động chào mừng Ngày Điều dưỡng Việt Nam 26/10 là dịp để khẳng định vai trò, vị trí của người điều dưỡng, tôn vinh những đóng góp của họ cho xã hội. Đồng thời động viên, chia sẻ những khó khăn, vất vả của người điều dưỡng trong công tác chăm sóc người bệnh, qua đó giúp các điều dưỡng Bệnh viện tiếp tục tự hào về công việc của mình, không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ người bệnh và nhân dân.

Quỳnh Trang (CDC QN)