Ngày nay, thuốc kháng sinh đã trở thành một loại thuốc được sử dụng rộng rãi, là cứu cánh quan trọng đối với nhiều căn bệnh truyền nhiễm, chống nhiễm trùng,…Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh lại gây ra những hệ lụy khôn lường. Mỗi năm trên thế giới có gần 1 triệu trẻ em tử vong do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. 33% người bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Việt Nam là nước trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới và nguyên nhân gây ra tình trạng này là do việc lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng.
Kháng sinh là gì?
Kháng sinh còn được gọi là Trụ sinh là những chất được chiết xuất từ các vi sinh vật, nấm, được tổng hợp hoặc bán tổng hợp, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu. Nó có tác dụng lên vi khuẩn ở cấp độ phân tử, thường là một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình phát triển của vi khuẩn.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng phổ biến. Chẳng hạn tụ cầu kháng methicilline; phế cầu kháng penicilline; khuẩn salmonela đa kháng với choramphenicol, ampicillin, cotrimoxazole…Và lạm dụng kháng sinh chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng kháng thuốc này.

Thế nào là lạm dụng thuốc kháng sinh?
Thông thường khi bị ho, viêm họng, sốt nhẹ hoặc sổ mũi thì không cần thiết phải dùng đến kháng sinh, thay vào đó phải điều trị bằng các phương pháp như rửa mũi, súc họng bằng nước muối, sử dụng thuốc ho… Nếu bệnh tình tái phát hoặc không thuyên giảm thì có thể đến các cơ sở y tế điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, rất nhiều người lại tự kê đơn kháng sinh hoặc mua thuốc theo đơn cũ mỗi khi ho, sốt hoặc sổ mũi. Theo các chuyên gia y tế: Kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn, bệnh mà mỗi người mắc có phải do nhiễm khuẩn hay không, chỉ có thể do bác sĩ khám và đưa ra kết luận. Do đó, thuốc kháng sinh phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Hậu quả khi lạm dụng kháng sinh
Tạo ra “siêu” vi khuẩn: Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc lạm dụng kháng sinh là tạo ra các chủng “siêu” vi khuẩn kháng thuốc, chẳng hạn như MRSA (Methicillin-resistant Staphylococcus aureus, tụ cầu vàng kháng Methicillin). Loại vi khuẩn này có khả năng kháng lại một số thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn tụ cầu bình thường. MRSA có thể xâm nhập sâu vào cơ thể gây nên các bệnh như nhiễm trùng xương, khớp, đường máu, van tim và phổi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vi khuẩn gây nhiễm trùng “staph”,MDR TB (bệnh lao kháng đa thuốc) và gần đây người ta còn phát hiện thấy xuất hiện chủng ký sinh trùng sốt rét ở vùng Đông Nam Á kháng thuốc. Các siêu vi khuẩn này rất khó tiêu diệt, có thể gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng.
Tiêu diệt vi khuẩn có lợi: Hơn 80% khả năng miễn dịch của cơ thể được tạo ra trong đường ruột với sự giúp đỡ của các vi khuẩn có lợi cư trú ở đó. Tuy nhiên, sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi giết vi khuẩn, cả có lợi và có hại. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y dược Pennsylvania lưu ý rằng việc sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài có thể gây ra hậu quả làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch cơ thể, do đó làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm khuẩn thứ cấp.

Gây khó khăn cho bác sĩ khám chữa bệnh: Dùng kháng sinh không đúng bệnh, không đúng liều, không đủ thời gian,…có thể làm gia tăng các nguy cơ bị hạn chế sử dụng kháng sinh, đó là một khía cạnh gây khó khăn cho bác sĩ điều trị. Bởi vì, có thể người bệnh dùng nhiều loại thuốc kháng sinh và các loại thuốc dùng không đúng chỉ định sẽ gây nên tình trạng vi khuẩn quen thuốc (nhờn thuốc, kháng thuốc). Dó đó, khi những người này mắc phải bệnh nhiễm khuẩn, bác sĩ không biết lựa chọn loại kháng sinh nào cho phù hợp, bệnh sẽ khỏi chậm, bác sĩ phải thay đổi nhiều loại kháng sinh gây tốn kém tiền bạc và thời gian điều trị cho người bệnh.
Gây tổn thương gan: Nhóm người được kê kháng sinh mạnh thường phải qua khâu xét nghiệm chức năng gan để có cơ sở kê đơn. Điều này cho thấy, thuốc kháng sinh là “khắc tinh” đối với gan. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc kháng sinh rất hại cho mô gan, làm cho các chỉ số xét nghiệm chức năng gan như AST và ALT tăng vọt. Azithromycin, loại thuốc kháng sinh được dùng phổ biến, nhưng cũng rất dễ gây tổn thương gan. Hai tuần sau khi điều trị kháng sinh nên làm các xét nghiệm chức năng gan sẽ thấy được những bất thường liên quan đến sức khỏe gan.
Tăng nguy cơ bệnh tật:
– Gây tiểu đường tuýp 1: Lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây bệnh tiểu đường tuýp 1. Bởi thuốc kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong ruột, dẫn đến tình trạng hệ miễn dịch cũng bị tàn phá. Nếu dùng liều lượng lớn thuốc kháng sinh ngay từ nhỏ thì thuốc có thể thúc đẩy hệ miễn dịch tấn công các tuyến tụy, do đó ảnh hưởng đến quá trình tạo insulin, có thể gây ra bệnh tiểu đường.
– Gây bệnh hen suyễn: Vi khuẩn H. pylori vốn bảo vệ chúng ta khỏi bệnh hen suyễn, thuốc kháng sinh có thể làm cho vi khuẩn H. pylori bị tiêu diệt, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
– Gây ung thư: Lạm dụng kháng sinh có thể gây ra sự hủy hoại tế bào bởi các phân tử gốc tự do và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư như ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư gan.
– Gây nhiễm trùng mem nấm âm đạo: Candida và các loại vi trùng khác sống bên trong âm đạo vô hại khi tồn tại sự cân bằng tự nhiên. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng có thể thay đổi sự cân bằng tự nhiên của các vi khuẩn, làm tăng số lượng các men Candida có thể dẫn đến nhiễm nấm âm đạo. Nếu bạn đang dùng một trong các loại thuốc kháng sinh, hàng ngày nên ăn ít nhất 1 cốc sữa chua để ngăn ngừa nhiễm trùng men nấm.
Ngoài ra, các nghiên cứu y học cho rằng lạm dụng kháng sinh còn có thể gây ra các vấn đề về tim, bệnh dị ứng, tiêu chảy, nôn mửa, làm xỉn răng, đau đầu chóng mặt, tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời,…
Hiện nay, các bác sĩ luôn khuyến cáo nên dùng thuốc hoặc thảo dược thay thế thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh. Nếu bắt buộc phải dùng kháng sinh thì nên dùng theo chỉ định của bác sĩ, dùng đúng liều, đủ liều, không nên ngừng thuốc khi bệnh đã khỏi nhưng liều điều trị vẫn còn. Bên cạnh đó, việc thêm các loại thực phẩm vào chế độ ăn uống hàng ngày có sự phong phú về tính kháng sinh như gừng, sữa chua, lá kinh giới, bưởi, nghệ và tỏi cũng là biện pháp tốt để bảo vệ sức khỏe.
Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN