Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, có thể bùng phát thành dịch và gây nguy hiểm đối với người mắc phải. Virus thủy đậu lây từ người sang người qua đường hô hấp như ho khan, hắt xì và lây gián tiếp khi tiếp xúc với nước miếng, dịch tiết, chất lỏng từ mụn nước. Bệnh thủy đậu để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
1. Bệnh thuỷ đậu là gì?
Thủy đậu còn được gọi với tên khác là trái rạ, hoặc phỏng rạ. Đây là một căn bệnh lây lan truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi virus VZV (tên đầy đủ là Varicella Zoster Virus). Loại virus này thuộc dòng họ Herpesviridae.
Khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi) hoặc ho… thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh – được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh – là khoảng 2-3 tuần.
Bất cứ đối tượng trong độ tuổi nào cũng có thể bị thủy đậu. Trẻ em nhạy cảm hơn và tỷ lệ phần trăm mắc thủy đậu ở trẻ em thường cao hơn người lớn. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu có thể kể đến như: nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, khớp và nhiễm trùng máu là biến chứng thường gặp nhất, ngoài ra còn các biến chứng như viêm não, viêm phổi, viêm thận, viêm cầu thận cấp, bệnh zona,… Nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, các biến chứng của bệnh thủy đậu còn có thể dẫn tới tử vong.
Yếu tố tác động trực tiếp tới sự lây lan nhanh và rộng của bệnh thủy đậu là thời tiết giao mùa, do đó khi gặp dạng thời tiết này, số trẻ mắc thuỷ đậu thường tăng cao, chủ yếu là trẻ có độ tuổi từ 2 đến 7. Vì độ tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ tương đối yếu, khả năng tự phòng dịch của cơ thể không cao nên nguy cơ mắc bệnh thường nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác.
Hình ảnh nốt mụn nước thủy đậu từ ngày 1 đến ngày 15
2. Dấu hiệu nhận biết khi bị thuỷ đậu?
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Phó trưởng Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Bệnh thủy đậu thường xuất hiện 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 – 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ l – 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo. Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của cơn bệnh. Sốt nhẹ, nhức đầu và mệt mỏi là điều thông thường. Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ chỉ vài mụn trái rạ cho đến hơn 500 mụn trên thân thể.”
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh thuỷ đậu
3. Thủy đậu lây qua những đường nào?
Thuỷ đậu là bệnh lây truyền với tốc độ nhanh, nên rất dễ chuyển từ người sang người theo ba con đường chính:
– Đường hô hấp: Virus gây bệnh thủy đậu thường trú trong nước bọt của người mắc phải. Lượng virus này có thể sẽ bị bắn ra khỏi không khí nếu người bệnh nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. Những người tiếp xúc phải luôn không khí có chứa virus này sẽ bị lây thủy đậu nhanh chóng.
– Lây qua tiếp xúc trực tiếp: Một trong những con đường lây nhiễm thuỷ đậu nhanh nhất là tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết, chất lỏng từ mụn nước.
– Lây qua tiếp xúc gián tiếp: Điểm mạnh của virus thủy đậu là nó có thể tồn tại một thời gian dài ở môi trường bên ngoài. Vì vậy chỉ cần tiếp xúc với đồ vật vừa bị nhiễm chất dịch từ nốt phỏng ở người bị bệnh cũng có nguy cơ bị lây nhiễm.
4. Làm sao để không bị lây thủy đậu? Cách phòng ngừa hiệu quả
Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, để lại nhiều biến chứng cho sức khỏe, thậm chí mức độ nguy hiểm cao nhất là tử vong. Trong khi đó, đây là bệnh dễ lây lan và không ngoại trừ đối tượng nào. Vì vậy, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, trang bị đầy đủ kiến thức, làm sao để không bị lây thủy đậu trong mùa dịch. Để chủ động phòng tránh bệnh, Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp:
– Những phương pháp thực hiện tại nhà:
Không tiếp xúc trực tiếp với các nốt phỏng của người bị bệnh thủy đậu.
Kể từ ngày đầu tiên phát hiện bệnh, cần cách ly với những người xung quanh bằng cách nghỉ làm nghỉ học trong khoảng từ 7 đến 10 ngày.
Khuyến cáo rửa tay thường xuyên với xà phòng. Nên trang bị các đồ dùng sinh hoạt cá nhân riêng rẽ và không dùng chung với người xung quanh.
Để hạn chế sự xâm nhập của virus, những người chưa mắc phải cần thường xuyên súc miệng rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Những người đã mắc bệnh cũng làm điều tương tự để hạn chế sự lây lan.
Hằng ngày cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể người bệnh bằng nước sạch, ấm. Tuy nhiên không nên sử dụng các loại sữa tắm hay xà phòng chứa chất tẩy rửa quá mạnh. Bởi chất tẩy rửa mạnh có thể dẫn tới nốt mụn bị vỡ và lây lan nhanh hơn.
Vệ sinh và sát khuẩn đồ đạc trong các khu vực xung quanh nơi ở, trường học, những nơi thường xuyên tụ tập đông người.
Một chế độ dinh dưỡng đảm bảo khoa học với nhiều rau xanh, hoa quả sẽ giúp những vết thương mau lành. Bổ sung đầy đủ nước, đồng thời đặt ra một chế độ sinh hoạt hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
– Tiêm chủng đầy đủ để dự phòng bệnh
Tạo miễn dịch với virus thủy đậu cho cơ thể bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt với các đối tượng trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên. Các bậc phụ huynh nên đưa con tới các trung tâm tiêm chủng để đảm bảo tiêm theo đúng liều lượng được quy định và an toàn cho bé.
– Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi có lịch tiêm 2 mũi:
+ Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
+ Mũi 2: 3 tháng sau mũi 1 (ưu tiên) hoặc hẹn mũi 2 lúc 4-6 tuổi.
– Từ 13 tuổi trở lên có lịch tiêm 2 mũi
+ Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
+ Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 01 tháng.
Ngoài ra, nếu đang có kế hoạch sinh con, phụ nữ cũng cần đi tới các cơ sở tiêm phòng để tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước 3 tháng mang bầu.
Thanh Nga (CDC)