Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là cuốn sách đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về vấn đề xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Cuốn sách là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư, một công trình khoa học tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Ngày 7/8, Quảng Ninh – địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập nội dung cuốn sách này của Tổng Bí thư. Đây là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng, nhằm tưởng nhớ, tri ân, trân trọng những tình cảm của đồng chí cố Tổng Bí thư đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, thể hiện quyết tâm tiếp thu những giá trị sâu sắc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới.
Cuốn “cẩm nang” quý về văn hóa
Là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đồng thời là một nhà văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam – vấn đề mang tính trọng tâm, đột phá chiến lược, là nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời, đồng chí cũng quan tâm chỉ đạo với những định hướng giải pháp thiết thực từ những vấn đề bao quát cho đến các lĩnh vực, khía cạnh cụ thể của văn hóa.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là cuốn sách đầu tiên của Tổng Bí thư về vấn đề văn hóa dân tộc. Cuốn sách do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức biên tập, xuất bản.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Cuốn sách tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó bài viết sớm nhất là năm 1968. Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
ThS. Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật trao tặng Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư cho Tỉnh Quảng Ninh.
Phần thứ nhất: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, gồm 19 bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng – văn hóa toàn quốc, Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc,… Với những lập luận đầy sức thuyết phục, những dẫn chứng phong phú và sinh động, Tổng Bí thư đã lý giải cụ thể nội hàm của khái niệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phân tích vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng giải pháp để phát huy đầy đủ, toàn diện giá trị văn hoá.
Phần thứ hai: Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững, tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa. Với thực tiễn phong phú và tư duy lý luận sắc bén, sự am hiểu sâu sắc về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; báo chí, xuất bản;…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghiên cứu trao đổi các nội dung trong cuốn sách của Tổng Bí thư.
Phần thứ ba: Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống, tuyển chọn 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Đồng chí ThS. Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật – người trực tiếp tham gia vào việc tổ chức biên soạn cuốn sách, chia sẻ: Sinh thời, Tổng Bí thư luôn dành nhiều quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, luôn đau đáu công tác xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam. Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho chúng ta thấy rõ một hệ thống lý luận đầy tính khoa học về văn hoá và dân tộc, về truyền thống và hiện đại, về phẩm giá con người và lý tưởng. Cuốn sách hệ thống một cách xuyên suốt và biện chứng về quá trình vận động, phát triển và những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Cuốn sách gửi gắm những thông điệp sâu sắc của người đứng đầu Đảng ta đối với các lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa.
Trân trọng những di sản để lại, những lý tưởng văn hóa cao cả của Tổng Bí thư được đúc kết trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, xúc động cho biết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa nhưng những tác phẩm, công trình, bài viết, bài phát biểu mà đồng chí để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho cộng đồng khoa học Việt Nam và kho tàng tri thức của nhân loại sẽ mãi là tài sản vô cùng giá trị, đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước và trường tồn cùng dân tộc. Cuốn sách là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư, đã hệ thống những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cũng như đường lối, quan điểm khoa học, sáng tạo của Đảng về văn hóa, đồng thời làm sâu sắc, phong phú, sống động hơn nữa những căn cốt về văn hóa. Đây là những luận đề rất quan trọng mà Tổng Bí thư đã nghiên cứu sâu sắc và luận giải thuyết phục trong các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn… suốt hàng chục năm nay; là kết tinh trí tuệ, tâm huyết và kỳ vọng của một người hết lòng vì Đảng, vì dân và được toàn Đảng, toàn dân tin yêu, kính ngưỡng. Những luận đề nói trên đã định hướng nhận thức, dẫn dắt hành động đối với toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; có sức cảm hóa sâu, lan tỏa rộng đến mọi cộng đồng và tầng lớp nhân dân.
Đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng
Nhằm lan tỏa giá trị cuốn sách và cụ thể hóa những quan điểm, định hướng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn của tỉnh, sáng 7/8, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc sân tộc” của Tổng Bí thư theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 218 điểm cầu cấp huyện, cấp xã với trên 20.000 cán bộ, đảng viên tham dự.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập nội dung cuốn sách này của Tổng Bí thư. Đây là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng, nhằm tưởng nhớ, tri ân, trân trọng những tình cảm của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; tiếp thu những giá trị sâu sắc về đường hướng căn bản, lâu dài đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ các địa bàn khu vực thành thị đến miền núi, biên giới, hải đảo, không phân biệt lứa tuổi, vị trí, nhiệm vụ công tác, hơn 20.000 cán bộ, đảng viên đều hòa chung cảm xúc nghẹn ngào, xúc động khi được nhìn lại hình ảnh của Tổng Bí thư trong các chuyến thăm về Quảng Ninh qua phóng sự của Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện. Có những người chưa từng được gặp mặt Tổng Bí thư nhưng luôn mong muốn được tìm hiểu, tiếp cận với những di sản, những tâm huyết, những tư tưởng lớn đã được gửi gắm, đúc kết trong mỗi cuốn sách của Tổng Bí thư, đặc biệt là những nội dung trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Chính bởi vậy, với sự chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và trên cơ sở các nội dung thông tin, trao đổi súc tích, ngắn gọn, sâu sắc của bà Phạm Thị Thinh – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật- người trực tiếp tham gia vào việc tổ chức biên soạn cuốn sách của Tổng Bí thư, các cán bộ, đảng viên đã cùng lắng nghe, tìm hiểu nội dung sâu sắc của cuốn sách.
Ông Nguyễn Văn Cường, Đảng viên chi bộ khu phố Đường Ngang, phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên, bộc bạch: Tôi rất xúc động khi được tiếp cận với những nội dung trong cuốn sách của Tổng Bí thư. Đặc biệt, tôi ấn tượng với phần 2 của cuốn sách với 73 bài phát biểu, bài viết, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi cảm nhận thấy sự tâm huyết của Tổng Bí thư, sự quan tâm của đồng chí đối với lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa. Với thực tiễn phong phú và tư duy lý luận sắc bén, sự am hiểu sâu sắc về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; báo chí, xuất bản;…
Không những vậy, các cán bộ, đảng viên đều cho rằng, cuốn sách không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư, mà quan trọng hơn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những phát biểu, bài viết của người đứng đầu Đảng ta về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển – sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới… Các bài viết trong cuốn sách góp phần quan trọng, làm giàu thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều nội dung được làm sáng tỏ, góp phần lan tỏa những nội dung cốt lõi của cuốn sách tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành văn hóa.
Cuốn sách được sưu tầm, biên tập và xuất bản nhằm hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trên cơ sở đó giúp cán bộ, đảng viên, các ngành, các cấp, các địa phương triển khai sâu rộng hơn, hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hoá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Bà Phạm Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, chia sẻ: Hội nghị quán triệt, học tập nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư hôm nay thực sự ý nghĩa. Sau hội nghị, Đảng bộ nhà trường sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên đề tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường về nội dung cuốn sách, đưa nội dung cuốn sách gắn với triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững cụ thể hóa thành phương châm, giải pháp cụ thể, xây dựng văn hóa trường Đảng, văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên của nhà trường.
Với truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng vẻ vang của quê hương, trên đà những thắng lợi đã đạt được, cùng với ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Ninh sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Hiện thực hóa lời căn dặn của Tổng Bí thư
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về thực hành văn hóa, một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong gần 30 năm qua, kể từ năm 1997, trên nhiều cương vị trọng trách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, dù rất bận, nhưng ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng đều quan tâm và dành thời gian về thăm, làm việc với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc và công nhân lao động của tỉnh Quảng Ninh; dành những tình cảm sâu nặng, sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo rất quan trọng và quý báu, tạo động lực cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang, Nhân dân các dân tộc, công nhân lao động trong tỉnh quyết tâm đổi mới sáng tạo, phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng, khai thác ngày càng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo nên các đột phá chiến lược để xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đời sống mọi mặt của Nhân dân không ngừng được nâng cao.
Tháng 4/2022, trong lần thứ 3 về thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Quảng Ninh từ xa xưa đã nổi tiếng là một vùng “địa linh, nhân kiệt”, bởi có Vịnh Hạ Long – một kỳ quan thiên nhiên thế giới; là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía Đông Bắc; có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc; có Yên Tử – nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm. Trên sông Bạch Đằng vẫn còn ghi đậm dấu ấn những chiến công hiển hách của ông cha ta chống quân xâm lược vào các thế kỷ thứ X và thế kỷ XIII, viết nên bản hùng ca bất hủ, khẳng định nền độc lập dân tộc và vị thế quốc gia. Trúc Lâm – Yên Tử nâng tầm giá trị nhân văn, tính độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam gắn liền với vị vua – nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn Trần Nhân Tông đã 2 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên – Mông, đội quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ, để lại tiếng thơm muôn thuở của một bậc minh quân thống nhất giữa Đời và Đạo, không màng danh lợi, vinh hoa phú quý, hết lòng vì nước, vì dân. Quảng Ninh cũng là nơi có thương cảng Vân Đồn, một trong những thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong nhiều thế kỷ, đã khẳng định Việt Nam từ sớm là một quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.
Trong giai đoạn cách mạng hiện đại ngày nay, Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phong trào “vô sản hóa”, nơi đào luyện nên nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước, làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của Đảng, của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.
Phát huy những giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, bứt phá trở thành một đầu tàu kinh tế của khu vực đồng bằng Bắc bộ và cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Nhắc lại quan điểm “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Tổng Bí thư đã căn dặn tỉnh Quảng Ninh cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có vai trò trực tiếp bảo đảm thành công cho chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn với chiến lược, chương trình hành động cụ thể.
Những quan điểm kết tinh từ tầm vóc trí tuệ của Tổng Bí thư, cùng những chỉ đạo, gợi mở của đồng chí đã kịp thời động viên và tiếp thêm động lực cho Quảng Ninh trên hành trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Điều đó đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 cụ thể hóa bằng việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Trong đó hướng tới phát triển con người Quảng Ninh toàn diện, tạo dựng một Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc”. Năm 2024, tỉnh đã xác định chủ đề công tác là “Nâng cao chất lượng tăng trường kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Quảng Ninh cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt để giảm chênh lệch giữa các vùng miền; đầu tư mạnh mẽ đồng bộ hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm nâng cao mức sống và chất lượng sống của nhân dân. Ưu tiên các nguồn lực, đặc biệt là khơi dậy tình cảm, tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân, tổ chức, đơn vị, chung tay bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Cộng đồng dân cư ngày càng giữ vai trò quan trọng, là chủ thể trong việc sưu tầm, truyền dạy, phát huy các di sản văn hóa bao gồm cả tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống.
Các tác phẩm, ấn phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng thị hiếu của nhân dân. Hệ thống câu lạc bộ văn hoá, thể thao được hình thành đến tận các cơ sở và đã duy trì, hoạt động một cách thống nhất, có chất lượng và hiệu quả. Qua đó, phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nâng cao thể lực, trí lực của công nhân viên chức và người lao động, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đã tác động tích cực đến việc thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hoá tại cơ sở…
Văn hóa phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Quảng Ninh giờ đây là một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước. Tỉnh cũng đã định hình tiêu chí “nhân dân hạnh phúc” là một giá trị của tỉnh, nhân dân thực sự được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước. Tỉnh đã và đang thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Quảng Ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh, động lực phát triển
Quán triệt sâu sắc quan điểm, nội dung xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặc biệt là lời căn dặn, mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt. Với truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng vẻ vang của quê hương, trên đà những thắng lợi đã đạt được, cùng với ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Ninh sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc”.
Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã nhấn mạnh: Từ luận điểm văn hóa của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống đòi hỏi mỗi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Do vậy các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, địa phương cần vận dụng đúng đắn, phù hợp các bài học kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nêu trong Cuốn sách để biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế; Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, sức mạnh con người Quảng Ninh đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, tạo môi trường văn hóa từ những lĩnh vực trung tâm và then chốt, hướng vào các khâu đột phá như: Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể – nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Xây dựng văn hóa trong kinh tế vì sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, trọng tâm là phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân; Phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Cùng với đó, tập trung xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ giá trị con người Quảng Ninh với các đặc trưng cơ bản: “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, thích ứng với sự thay đổi, nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức xã hội.
Thường xuyên kết hợp đồng bộ xây dựng môi trường văn hóa gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh – nơi lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mỗi con người với môi trường văn hóa học đường – nơi rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện về đức – trí – thể – mỹ và môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư thật sự trong sạch, lành mạnh, tiến bộ gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh Quảng Ninh khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp và nỗ lực trong việc gìn giữ giá trị truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Trọng tâm là gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống người dân, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người dân, lấy nhân dân làm trung tâm.
Báo Quảng Ninh