Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên

Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho đối tượng vị thành niên, thanh niên (VTN, TN) là vấn đề mà xã hội rất quan tâm, nếu các em không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, việc học hành, sức khỏe và chất lượng dân số của xã hội. 

Hiện nay, tình trạng quan hệ tình dục sớm, tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục ở lứa tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, kiến thức, kỹ năng cơ bản để bảo vệ sức khỏe của lứa tuổi này còn hạn chế. Hơn nữa, khi giáo dục về sức khỏe sinh sản cho các em, cha mẹ cũng thường có tâm lý e dè, né tránh, trong khi các em rất cần được hướng dẫn đầy đủ, sâu sắc. Khi có thắc mắc về những vấn đề “thầm kín”, các em sẽ có xu hướng tự lên mạng tìm hiểu hoặc tâm sự với bạn bè hơn là sẻ chia với cha mẹ, thầy cô. Do đó, gia đình, nhà trường cần cung cấp những thông tin chính thống, trang bị cho các em kỹ năng để bảo vệ bản thân.  

CDC Quảng Ninh tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho đối tượng VTN, TN tại các trường học trên địa bàn tỉnh

Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 300 đến 400 ngàn ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được ghi nhận, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thông tin của Tổng cục Dân số, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, song tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai.

Đáng nói là tại mỗi cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều triển khai cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung và SKSS cho vị thành niên nói riêng với các cán bộ được đào tạo về chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên theo đúng Hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2016. Tuy nhiên hầu như nhóm đối tượng này thường rất khó được tiếp cận do e ngại hoặc là các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn.  

Trước thực trạng đó, với vai trò đầu mối trong kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản VTNTN trên địa bàn tỉnh, Khoa Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, CDC Quảng Ninh luôn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động chăm sóc SKSS, sức khoẻ tình dục (SKTD) cho VTN, TN hàng năm của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức hoạt động chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với các trường học, Trung tâm Y tế tuyến huyện tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông vận động thay đổi hành vi về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN cho cán bộ y tế và cán bộ truyền thông tuyến tỉnh, tuyến huyện, cán bộ y tế tại cơ sở, y tế thôn bản… đặc biệt là kiến thức và thực hành đúng về tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm nâng cao năng lực truyền thông. Bên cạnh đó, Khoa còn phối hợp với nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa truyền thông về Chăm sóc sức khỏe sinh sản….Qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức và hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc SKSSVTNTN trên địa bàn tỉnh.

Học sinh đã mạnh dạn và cởi mở hơn với những vấn đề “khó nói” mà các em quan tâm

Đổi mới hình thức truyền thông, thay đổi phương thức tiếp cận đã giúp những vấn đề “khó nói” này trở nên dễ hiểu và dễ tiếp thu hơn với lứa tuổi VTN-TN, tác động tới nhận thức và hành vi của các bạn. Đánh giá thực tế qua thời gian triển khai tại tuyến cơ sở, bác sĩ Lê Thị Liên, Khoa CSSKBMTE cho biết: “Ban đầu các em còn chưa nắm bắt được các kiến thức cũng như các kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý của tuổi vị thành niên. Sau khi được cung cấp những thông tin cơ bản các em đã mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động và bày tỏ ý kiến, những thắc mắc, băn khoăn khó nói về những điều thầm kín về các nội dung: chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh kinh nguyệt, bệnh lý phụ khoa, bệnh nam khoa, các biện pháp tránh thai, tránh hậu quả mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn ở tuổi VTN…

CDC Quảng Ninh tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế, cán bộ làm công tác CSSKSS tại địa phương

Có thể nói, chăm sóc SKSS VTN, TN là công tác quan trọng góp phần ổn định nhiều mặt của xã hội, phòng tránh nhiều hệ luỵ tiêu cực trong giới trẻ và là nền tảng nâng cao chất lượng dân số, gia đình về lâu dài cho địa phương. Việc nâng cao hiệu quả công tác này cũng cần được quan tâm. Gia đình, nhà trước và toàn xã hội cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khoẻ; mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà…để giáo dục, động viên con em trong việc tham gia tư vấn, khám và chăm sóc sức khoẻ định kỳ. Đặc biệt, gia đình và xã hội cần tạo mọi điều kiện để VTN,TN tích cực học tập, lao động, chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khoẻ nói chung, SKSS, SKTD lành mạnh nói riêng; bảo đảm để VTN,TN được quan tâm chăm lo toàn diện.

Thay đổi nội dung và hình thức thực hiện giúp học sinh tiếp cận và nâng cao hiểu biết

VTN, TN thường có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, là giai đoạn cần trang bị những kỹ năng cơ bản để các em bước vào giai đoạn của tuổi trưởng thành. Chính vì vậy, các em cần được quan tâm chu đáo từ phía gia đình, nhà trường và xã hội để hạn chế những tổn thương về tâm lý, sức khỏe cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên do mang thai ngoài ý muốn hay quan hệ tình dục không an toàn. Những chấn động, cú sốc tâm lý sẽ gây ra những hậu quả khôn lường khi các em còn quá trẻ. Ngoài việc giáo dục giới tính, các bậc cha mẹ không nên né tránh mà cần có sự cảm thông, cởi mở, khéo léo để đồng hành cùng nhà trường và xã hội trong việc hướng cho trẻ có những nhận thức đúng đắn về tình bạn, tình yêu, giúp các em phòng tránh trước những điều bất lợi có thể xảy ra đối với sức khỏe sinh sản, nhất là học sinh nữ.

Thanh Nga (CDC)