Nâng cao hiệu quả quản lý quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện quản lý và sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) một cách hiệu quả. Nhờ đó, quyền lợi của người tham gia được đảm bảo và góp phần tiết kiệm chống lãng phí trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo 06 tháng đầu năm của Sở Y tế, tổng số lượt khám BHYT là 223.139 lượt; số lượt điều trị nội trú BHYT là 33.824 lượt; bệnh nhân BHYT tự đến điều trị tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển tuyến: 13.568 lượt, chiếm tỷ lệ khoảng 10.23% so với tổng số lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh.

Về tình hình sử dụng quỹ Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế trong tỉnh là 894.598 triệu đồng, tăng 151.430 triệu đồng (tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó khám chữa bệnh nội trú 621.506 triệu đồng, khám chữa bệnh ngoại trú 273.093 triệu đồng;

Để đạt được kết quả nêu trên, BHXH tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý thu, chi, sử dụng quỹ BHYT. Trong đó, đơn vị đã phối hợp với Sở Y tế và Sở Tài chính thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý và sử dụng dự toán chi khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Hàng năm bổ sung kiểm tra đối với các cơ sở y tế có số lượng gia tăng chi phí khám chữa bệnh lớn theo chỉ đạo của UBND tỉnh; qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện lạm dụng trong việc xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hoặc kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc cho người bệnh không hợp lý, nhất là đối với dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế… có giá cao, số lượng sử dụng nhiều. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện sử dụng căn cước công dân có gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khám chữa bệnh cho người dân. Hiện toàn tỉnh có 231/231 cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh BHYT; 100% các cơ sở đã triển khai thực hiện sử dụng CCCD có gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT

BHYT là chính sách quan trọng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Để chính sách này đi vào cuộc sống cần phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, kịp thời và thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH và các ban, ngành chức năng liên quan. Do đó, để thu hút người lao động và người dân tham gia BHYT, các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT ngày càng hiệu quả hơn.

Lê Giang (CDC)