Nâng cao sức khoẻ từ sử dụng muối I – ốt

I-ốt là một trong những vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển cơ thể của con người. Đặc biệt, i-ốt là nguyên tố cơ bản để tổng hợp hóc môn tuyến giáp, rất cần cho sự phát triển của não và các bộ phận khác của cơ thể.

Thiếu I – ốt có thể gây ra bướu cổ

Tuyến giáp bảo đảm sự hoạt động của nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như duy trì thân nhiệt, tăng quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng, phát triển xương và đặc biệt là quá trình phát triển não bộ – hệ thần kinh trung ương trong thời kỳ bào thai.

Phụ nữ mang thai bị thiếu i-ốt có thể gặp các rối loạn như sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non…Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị thiếu i-ốt có thể mang các khuyết tật bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, điếc, câm, liệt 2 chi dưới bẩm sinh, lác mắt…Người lớn bị thiếu i-ốt thì chóng mỏi mệt, giảm trí nhớ và tăng nguy cơ nhiễm xạ trong các sự cố về phóng xạ.

Cơ thể con người hấp thụ i-ốt chủ yếu qua thức ăn: khoảng 60% từ thực vật, 30% từ đạm động vật, 10% từ nước uống và không khí. Do hiện tượng xói mòn nên lượng i-ốt có trong thiên nhiên ngày càng giảm. Con người dùng lương thực và cây cỏ trồng trên đất thiếu i-ốt sẽ bị thiếu i-ốt trong cơ thể.

Nguyên tắc bổ sung i-ốt

Các rối loạn do thiếu i-ốt có thể phòng được bằng bổ sung đủ i-ốt cho cơ thể. Việc bổ sung dựa trên nguyên tắc: Mọi cộng đồng sống trong vùng thiếu i-ốt phải được bổ sung đủ i-ốt, đặc biệt chú ý phụ nữ có thai, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và trẻ em; Liều lượng i-ốt bổ sung phải thích hợp, an toàn; Việc bổ sung i-ốt phải lâu dài kể cả sau khi đã thanh toán xong các rối loạn do thiếu i-ốt.

Các phương pháp bổ sung i-ốt:

Muối i-ốt: Có hai loại hợp chất i-ốt được dùng để trộn vào muối ăn là i-ôdua kali (IK) và i-ôdat kali (KIO3). I-ôdat hòa tan và bền vững hơn i-ôdua do đó thích hợp với điều kiện ẩm ướt nhiệt đới.

Phương pháp trộn i-ôdua hay i-ôdat vào muối ăn có thể thông qua quá trình trộn khô, hoặc trộn ướt (nhỏ giọt hoặc phun mù). Trộn phun mù hiện được dùng rộng rãi trên thế giới. Nhu cầu tối thiểu i-ốt là 100-150 microgam/người/ngày.

Mức i-ốt được trộn phải bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu tối thiểu cùng với lượng tối thiểu i-ốt mất đi trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Đồng thời cũng dựa trên mức tiêu thụ muối ăn hàng ngày của mỗi người. Mức tiêu thụ trung bình muối ăn hằng ngày của mỗi người khoảng 10gam (ở miền núi và nông thôn). Do đó mức trộn i-ốt thường từ 3050 phần triệu (ppm), tức là trong 10gam muối có 300-500 microgam i-ốt. Trộn i-ốt vào muối không làm thay đổi lý tính của muối, đồng thời ai cũng phải ăn muối, như vậy lượng i-ốt được sử dụng đồng đều ở mọi người, mọi lứa tuổi, hơn thế, chi phí cho trộn muối i-ốt lại rẻ, dễ kiểm soát liều lượng hấp thu.

Muối ăn dùng để trộn i-ốt phải là muối thô loại một (sạch, ít tạp chất, trắng, khô, hạt nhỏ đều) hoặc muối tinh. Muối trộn i-ốt phải được đóng gói sạch sẽ. Bao bì là một yếu tố rất quan trọng trong việc bảo quản muối i-ốt. Thông thường muối i-ốt được đóng trong túi polyethylen loại 1-2kg (muối thô) hoặc túi 500g nếu là muối tinh.

Tùy theo loại bao bì đóng gói và chất lượng muối nguyên liệu, chất lượng muối i-ốt có thể duy trì từ 6 tháng đến một năm.

Ngoài muối 1- ốt, còn nhiều các chế phấm có trộn i-ốt như nước khoáng, bột canh, nước mắm, bánh, kẹo…Đây là phương pháp thiết yếu để bổ sung lượng i-ốt thiếu hụt cho cơ thể.

Cách dùng:

Hiện nay, với hàm lượng i-ốt được bổ sung vào muối là loại KIO3 nên có thể cho muối trước, trong và sau khi nấu thức ăn, đều bảo đảm duy trì được lượng i-ốt cần cung cấp cho cơ thể.

Nên sử dụng muối I – ốt để nấu ăn

Khi sử dụng muối i-ốt phải chú ý chọn bao muối lành lặn, có in nhãn mác rõ ràng, muối sạch, không lẫn những tạp chất bẩn; có nhãn mác nơi sản xuất, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng; có đăng ký chất lượng rõ ràng; có hàm lượng i-ốt cụ thể.

Cách dùng muối i-ốtnhư muối thường trong mọi hình thức nấu ăn chế biến, dùng được để muối dưa, muối cà, làm mắm, làm gia vị. Dùng thường xuyên, liên tục ngay cả ở những khu vực đã thanh toán được các tình trạng rối loạn i-ốt.

Bảo quản: Để muối i-ốt trong lọ có nắp đậy hoặc túi nilon buộc kín, ở nơi khô ráo, tránh xa bếp, tránh ánh sáng, tránh nơi nhiệt độ cao, không phơi nắng hoặc để gác bếp. Dùng xong mỗi lần rửa lọ sạch, phơi khô xong lại dùng tiếp đợt khác. Không để muối lâu quá 6 tháng.

Dùng muối i-ốt trong toàn dân là một giải pháp lâu dài nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng và chất lượng giống nòi.

Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN