Thực hiện Công điện số 04/CĐ-QG ngày 14/7/2023 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 17/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc chủ động ứng phó bão số 1 năm 2023. Ngày 17/7/2023, Sở Y tế Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 2844/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành chủ động, tăng cường các biện pháp phòng chống bão số 1.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện trực 24/24h, không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân trong bão số 1.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 07 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15. Trên biển, từ khoảng chiều ngày 17/7, Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội; Trên đất liền, từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; Từ đêm 17/7 đến ngày 19/7, Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm, nguy cơ sạt lở cao tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Để chủ động ứng phó với bão Số 1, Sở Y tế Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các nội dung sau:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Số 1, tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động triển khai kế hoạch ứng phó với diễn biến bất thường của bão, mưa lũ; phát huy phương châm “Bốn tại chỗ”, đề phòng thời tiết nguy hiểm do bão, mưa lũ, sạt lở đất gây ra.
2. Chủ động kế hoạch bảo vệ an toàn cho người bệnh, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại đơn vị. Chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán người và tài sản khi cần thiết.
3. Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống bão; tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn khi có yêu cầu; thực hiện thu dung, cấp cứu và điều trị cho nạn nhân do mưa bão gây ra; các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ cho tuyến dưới khi có lệnh điều động.
4. Các đơn vị đang triển khai dự án xây dựng chủ động phối hợp với các nhà thầu thi công có phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản, cơ sở vật chất trong khu vực thi công.
5. Văn phòng Sở Y tế căn cứ tình hình thực tế và chỉ đạo của Lãnh đạo Sở Y tế để phân công cán bộ thường trực phòng chống mưa bão tại cơ quan; bố trí phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra, chỉ đạo phòng chống thiên tai khi có yêu cầu.
Thanh Nga (CDC)