Ngành Y tế chủ động ứng phó với nguy cơ dịch bệnh mùa hè thu và biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

Năm 2023 được dự báo là một năm với nhiều diễn biến bất thường của thời tiết và tình huống thiên tai khó dự đoán, đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm. Trước diễn biến đó, Ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân trong thời điểm giao mùa và trước thời điểm các em học sinh bước vào năm học mới 2023 – 2024.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh, thời gian gần đây, trong nước ghi nhận sự gia tăng đột biến các ca mắc bệnh truyền nhiễm tại nhiều địa phương như sốt xuất huyết (tại Thành phố Hà Nội), tay chân miệng (tại Thành phố Hồ Chí Minh). Cùng với đó, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến rất khó lường và khó dự báo. Biến thể phụ EG.5 của Omicron đang lây lan ở nhiều quốc gia và có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ban hành công văn số 1745/TTKSBT-PCBTN ngày 18/8/2023 về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch

Căn cứ công văn số 3354/SYT-NVY ngày 15/8/2023 của Sở Y tế Quảng Ninh về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ban hành công văn số 1745/TTKSBT-PCBTN ngày 18/8/2023 về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch, đặc biệt ứng phó với biến thể mới EG.5 của vi rút SARS-CoV-2, các dịch bệnh mùa hè thu, dịch bệnh có thể xuất hiện trong và sau thiên tai do điều kiện vệ sinh kém như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Theo đó, các đơn vị y tế cần:

  • Tiếp tục tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trong và ngoài địa bàn để chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương, sẵn sàng các phương án, điều kiện và nguồn lực cần thiết ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh;
  • Củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch, hỗ trợ công tác đáp ứng, xử lý dịch tại các địa phương;
  • Tăng cường công tác phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý ổ dịch trên địa bàn.
  • Tăng cường thực hiện hoạt động giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS) và thực hiện nghiêm công tác thống kê, báo cáo theo hướng dẫn tại Thông tư số 54/2015/TTBYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngành Y tế tăng cường triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương.

  • Rà soát, tổ chức, triển khai hiệu quả chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 và công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương.
  • Các đơn vị điều trị cần tổ chức tốt công tác tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng phục vụ công tác điều trị và phòng chống dịch.
  • Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong công tác lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm; thu thập thông tin, báo cáo các ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định, triển khai các hoạt động giám sát biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2;

CDC Quảng Ninh phối hợp TTYT huyện Cô Tô tổ chức diễn tập phòng chống dịch bệnh bạch hầu

Đồng thời, các đơn vị tăng cường công tác truyền thông cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về tình hình dịch bệnh COVID-19, các dịch bệnh mùa hè thu; các dịch bệnh có thể xuất hiện trước năm học mới 2023-2024 và có thể xảy ra trước, trong thiên tai để người dân không hoang mang nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; Chú trọng truyền thông các biện pháp vệ sinh phòng bệnh phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại địa bàn.

Quỳnh Trang (CDC)