Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các cơ sở y tế trong tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Điều này vừa giúp nâng tầm, tạo thương hiệu, uy tín cho bệnh viện, vừa giúp người dân trong tỉnh được tiếp cận các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không cần đến các bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, cơ hội điều trị.
Thúc đẩy triển khai lấy – ghép tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh
Sau khi thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy tạng từ người cho chết não tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai các nội dung để tiến tới thực hiện ghép tạng ngay tại Quảng Ninh. Lộ trình bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí được định hướng thực hiện kỹ thuật ghép thận.
Theo đó bệnh viện đã phối hợp với bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành khảo sát thực trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Sau khảo sát cho thấy bệnh viện có đủ điều kiện để tiến hành thực hiện ghép thận.
Thời gian tới, với mục tiêu trở thành một đơn vị y tế đáp ứng tốt cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân Quảng Ninh và khu vực, bệnh viện cũng xây dựng 7 mũi nhọn trong khám và điều trị, một trong số đó là ghép tạng. Bệnh viện đã tổ chức cho 40 y, bác sĩ thuộc nhiều lĩnh vực đi học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, và kỳ vọng rằng trong tương lai gần có thể sẽ triển khai ghép tạng ngay tại Quảng Ninh.
Tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, gần 120 y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, trong đó có 60 y, bác sĩ đến từ các trung tâm ghép tạng của Việt Nam đã tiến hành lấy đa tạng từ một người cho chết não
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đánh giá cao sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ngành y tế Quảng Ninh và đặc biệt là Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí trong việc triển khai một ca lấy đa tạng ngay tại đơn vị. Đây là một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng, hình thành và mở rộng mạng lưới hiến tạng, ghép tạng trong toàn quốc.
Ông Nguyễn Trọng Diện – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: Từ thành công trong công tác lấy tạng người hiến diễn ra tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa qua, Sở Y tế Quảng Ninh đề nghị các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu, định hướng lấy tạng và ghép tạng ngay tại đơn vị. Các đơn vị cũng cần đảm bảo đủ thuốc và vật tư y tế để phục vụ bệnh nhân.
Đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật mới
Không chỉ tập trung kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương phát triển kỹ thuật mới, chuyên sâu, các bệnh viện tuyến tỉnh còn tích cực chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho cơ sở.
Tiếp nhận hỗ trợ toàn diện cho Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà từ năm 2016 theo phân công của Sở Y tế Quảng Ninh, trên cơ sở khảo sát với nhu cầu thực tế tại đơn vị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho Trung tâm với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt: Đào tạo tại bệnh viện, đào tạo cầm tay chỉ việc tại Trung tâm, hội chẩn trực tiếp – trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa…
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tổ chức lớp đào tạo “Phẫu thuật chấn thương sọ não cơ bản” cho các bác sĩ chuyên ngành ngoại thần kinh tại bệnh viện và các đơn vị y tế trên địa bàn
Từ đó đến nay, bệnh viện đã luân phiên cử gần 400 lượt cán bộ trong nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành theo Đề án 1816 xuống trực tiếp khám chữa bệnh, thực hiện đào tạo “cầm tay chỉ việc” và hỗ trợ cấp cứu ca bệnh nặng, nguy kịch ngay tại đơn vị. Ở chiều ngược lại cũng đã có hơn 200 lượt bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gần 600 kỹ thuật mới các phân tuyến thuộc nhiều chuyên ngành: Hồi sức tích cực, Ngoại khoa, Chấn thương chỉnh hình, Nội khoa, Tim mạch, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh… Qua đó từng bước góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu tại địa phương, giúp người dân trên địa bàn huyện được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao mà không phải lên tuyến trên.
Bệnh viện Bãi Cháy cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện. Nhờ đó giúp các đơn vị y tế cơ sở nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào vùng khó khăn, hoàn thiện quy trình chuyên môn và phát triển các kỹ thuật chuyên sâu giúp người dân được thụ hưởng các tiến bộ điều trị hiện đại. Thường kỳ 2 lần/tháng, Bệnh viện Bãi Cháy tổ chức sinh hoạt khoa học chuyên đề với các Trung tâm Y tế: Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ, Đầm Hà, Cẩm Phả, qua đó đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, kỹ thuật khó đã được triển khai, thậm chí thường quy ngay tại tuyến huyện, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao mà không phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Điều dưỡng viên của TTYT Bình Liêu học tập trực tiếp tại Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, Sở khuyến khích các cơ sở y tế trong tỉnh chủ động tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao theo đúng quy định. Sau khi thực hiện xong thí điểm, đơn vị báo cáo kết quả, Sở Y tế sẽ họp hội đồng chuyên môn để quyết định cho phép triển khai chính thức những kỹ thuật này. Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai thực hiện và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.
Thời gian tới, các đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục hợp tác với các bệnh viện tuyến trên để triển khai có hiệu quả Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh: tim mạch, tiểu đường, phẫu thuật thần kinh, chấn thương chỉnh hình và trong các lĩnh vực: phụ sản, nhi khoa, ung bướu.
Đặc biệt, ngành Y tế Quảng Ninh mong muốn tiếp tục hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ từ các tuyến trên như: mổ tim hở, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật điều trị ung thư, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật thần kinh. Ngoài ra, còn có các kỹ thuật trong lĩnh vực hồi sức, điều trị ung thư bằng máy gia tốc tuyến tính, thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, robot phẫu thuật nội soi, công nghệ tế bào gốc, công nghệ giải trình tự gene, công nghệ sinh học…