Ngày Phòng Chống Tự Tử Thế Giới, diễn ra vào ngày 10 tháng 9 hàng năm, là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn nhận và thấu hiểu vấn đề tự tử – một trong những thách thức lớn nhất của sức khỏe tâm thần toàn cầu. Tự tử hay tự sát là hành động của một người cố ý gây ra cái chết cho chính bản thân mình. Tự sát là mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, nhưng thường thì có thể ngăn ngừa được. Biết được các dấu hiệu báo trước tự sát và biết cách hỗ trợ bệnh nhân có thể cứu được nhiều mạng người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, cứ mỗi 40 giây, trên thế giới lại có một người tự sát; mỗi năm có khoảng 10 – 20 triệu vụ tự sát, trong đó có khoảng hơn 800.000 người chết do tự sát. Ở Việt Nam có khoảng 36.000 – 40.000 người tự sát mỗi năm, với khoảng 5.000 người chết vì tự sát do bệnh lý trầm cảm.
Tự sát là nguyên nhân đứng thứ 13 gây ra tử vong và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên và người trưởng thành dưới 35 tuổi. Nhiều thống kê cho thấy, nam giới có tỷ lệ tự sát thành công cao hơn so với nữ giới, trong khi đó toan tự sát thường ở nữ giới nhiều hơn.
Bác sĩ CKI Vũ Minh Hạnh, Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ Sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh
Bác sĩ CKI Vũ Minh Hạnh, Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ Sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh cho biết: “tự sát không phải là một hành động đơn lẻ mà thường là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp, bao gồm: căng thẳng tâm lý quá sức, stress kéo dài trong cuộc sống, hoặc do một số rối loạn tâm thần gây ra bao gồm trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, nghiện rượu và lạm dụng ma túy.”
Bệnh nhân có dấu hiệu bệnh lý tới khám tại Bệnh viện Bảo vệ Sức khỏe Tâm thần Quảng Ninh
Những người muốn tự sát thường hay than vãn về sự vô vọng, bế tắc, không chịu nổi với cuộc sống hiện tại, mất niềm tin vào tương lai; xem mình trở thành tội lỗi, thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tâm trạng đột ngột thay đổi, tâm lý cực đoan; thường hay bực bội, giận dữ, căng thẳng lo âu cùng cực, có cảm giác tội lỗi hay xấu hổ.
Giảm các mối tương tác với gia đình, bạn bè, tự cô lập bản thân. Không quan tâm tới các hoạt động mà trước đó rất yêu thích, ngược lại có những hành vi bất thường như: sử dụng chất kích thích quá mức, lối sống buông thả và bất cần, không nghe lời khuyên của người thân. Không ăn, không ngủ, không quan tâm đến việc chăm sóc bản thân. Luôn nhắc đến cái chết, muốn được chết, xem chết là lối thoát duy nhất. Chuẩn bị phương tiện để tự sát.
Để phòng chống việc tự sát cần tăng cường truyền thông về các vấn đề sức khỏe tâm thần và nguy cơ tự sát, giúp mọi người hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo. Việc tiếp cận với các dịch vụ tư vấn tâm lý, đường dây nóng hỗ trợ khẩn cấp có thể giúp người đang gặp khủng hoảng tìm được sự giúp đỡ kịp thời. Hạn chế tiếp cận với các phương tiện gây tử vong, chẳng hạn như thuốc độc hoặc vũ khí, là một biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn tự sát. Gia đình, bạn bè và cộng đồng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường hỗ trợ, giúp người gặp khó khăn cảm thấy được yêu thương và không cô đơn.
Một số thiết bị kiểm tra sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân
Bác sĩ CKI Vũ Minh Hạnh, Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ Sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm: “Tự sát là một cấp cứu thuộc chuyên khoa Tâm thần, cần phải nhập viện điều trị nội trú dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Việc phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời các ý tưởng, hành vi tự sát cũng như các rối loạn tâm thần có tầm quan trọng đặc biệt để giảm tỷ lệ tử vong. Tùy theo nguyên nhân dẫn tới ý tưởng và hành vi tự sát mà có các phương pháp điều trị cho phù hợp như thuốc, trị liệu tâm lý, sốc điện não, kích thích từ xuyên sọ…”
Tự sát là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng nó có thể được ngăn chặn. Mỗi người trong chúng ta đều có thể đóng góp bằng cách lắng nghe, hỗ trợ và khuyến khích những người xung quanh tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ cần. Việc xây dựng hy vọng, tạo ra các mối quan hệ xã hội vững chắc và chăm sóc sức khỏe tâm thần không chỉ giúp giảm nguy cơ tự tử mà còn làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
Hãy cùng nhau tạo nên sự thay đổi, không chỉ trong ngày này mà trong suốt cả năm. Bằng cách cùng nhau nỗ lực, chúng ta có thể cứu sống những người đang cần được giúp đỡ, mang lại hy vọng cho những ai đang cảm thấy tuyệt vọng. Hãy nhớ rằng “bạn không cô đơn – luôn có những người sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với bạn”.
Công Sơn CDC