Người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh mùa du xuân, lễ hội

Sau Tết, nhiều hoạt động lễ hội, du Xuân khiến người dân, du khách gia tăng đi lại, tập họp chỗ đông người. Trong khi đó, thời tiết bước sang giai đoạn chuyển mùa đông xuân, đây là điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của các loại tác nhân gây bệnh, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp.

Để cung cấp thêm cho người dân những kiến thức về phòng chống dịch bệnh trong thời điểm này, phóng viên có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh.

PV: Xin chào bác sĩ! Thưa bác sĩ, trước hết xin bác sĩ cho biết tình hình chung về các bệnh truyền nhiễm hiện nay trên thế giới, tại Việt Nam cũng như trên địa bàn tỉnh ta?

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Dung: Tình hình dịch bệnh trên thế giới ngoài các cảnh báo về sự xuất hiện các biến chủng mới của bệnh COVID-19, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng đang đưa ra những cảnh báo đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác như Cúm A/H5N1 tại Campuchia; A/H10N5 và A/H3N2 tại Trung Quốc và một số quốc gia khác… Tại Việt Nam, ngoài các bệnh mùa đông xuân như cúm mùa, sởi, quai bị, thủy đậu, tay chân miệng… bệnh Dại đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người, rất nguy hiểm và cần dân quan tâm chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó bệnh nhiễm liên cầu lợn do ăn các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Tại Quảng Ninh, tình hình dịch bệnh hiện tại ổn định. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành như cúm mùa, thủy đậu, sốt xuất huyết… xuất hiện rải rác được giám sát kịp thời, không có các ổ dịch lớn.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc CDC Quảng Ninh giám sát, hỗ trợ chuyên môn công tác phòng chống bệnh dại tại huyện Đầm Hà

PV: Như bác sĩ cũng chia sẻ, các dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp, không chỉ có những bệnh dịch mới nổi như COVID-19, đậu mùa khỉ mà những dịch bệnh theo mùa như cúm, sốt xuất huyết cũng nhiều lần bùng phát, hay những bệnh tưởng như đã được loại trừ như bạch hầu cũng có nguy cơ tái xuất. Vậy thì đâu là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các dịch bệnh hiện nay, thưa bác sĩ?

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Dung: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các dịch bệnh, trong đó có một số nguyên nhân chính bao gồm:

  • Tình trạng biến đổi khí hậu, băng tan, phá rừng; tình trạng buôn bán, sử dụng động vật hoang dã tạo thêm cơ hội khiến các mầm bệnh phát tán và lây truyền từ động vật sang con người.
  • Sự phát triển và thuận lợi trong giao thương, buôn bán, di chuyển, đi lại khiến cho dịch bệnh dễ dàng phát tán, đặc biệt là việc chuyển dịch sang các khu vực vốn không được coi là khu vực lưu hành của dịch bệnh đó trước trong quá khứ.
  • Quá trình đô thị hóa và ô nhiễm môi trường là 2 yếu tố chính làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm tại các khu vực đông dân cư.
  • Đặc biệt, việc tiêm vắc xin cho trẻ em bị gián đoạn trong một khoảng thời do COVID-19, gián đoạn do nguồn cung ứng vắc xin; Kháng vắc xin dẫn đến nguy cơ gia tăng các vụ dịch truyền nhiễm, cũng như khiến các bệnh truyền nhiễm cũ quay trở lại, gây dịch bệnh như là bệnh bạch hầu.

PV: Thưa bác sĩ, vậy thì ở thời điểm hiện tại, khi mà miền Bắc nước ta đang bước vào thời điểm giao mùa đông xuân, thời tiết thay đổi khá thất thường thì chúng ta cần cảnh giác nhất với những dịch bệnh nào ạ?

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Dung: Miền Bắc hiện đang là mùa xuân, độ ẩm rất cao truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp như Cúm mùa, sởi, thủy đậu, quai bị… Đây là các bệnh truyền nhiễm lưu hành thường gia tăng vào mùa đông xuân. Tuy nhiên các bệnh này đều có vắc xin phòng bệnh và các VX này khá phổ biến tại các điểm tiêm chủng. Trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi cần quan tâm chủ động tiêm phòng sớm để có miễn dịch phòng bệnh.

PV: Thưa bác sĩ, với vai trò là cơ quan đầu mối trong giám sát và dự phòng dịch bệnh của tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh đã triển khai những hoạt động phòng chống dịch cụ thể như thế nào, nhất là trong thời điểm các lễ hội đầu năm đang diễn ra thu hút đông đảo người dân đi lại, giao lưu, tụ họp như hiện nay?

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Dung: Chúng tôi thường xuyên cập nhật, tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chủ động có phương án ứng phó kịp thời. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong tỉnh, phối hợp liên ngành để giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm; Chủ động tìm kiếm các ca bệnh và xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Đảm bảo đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng với các tác nhân mới. Đặc biệt, truyền thông phòng bệnh và tiêm chủng luôn được quan tâm hàng đầu và được triển khai ngay từ những ngày đầu năm.

Bác sĩ Dung cho biết CDC Quảng Ninh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh, phối hợp liên ngành để giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm

PV: Vậy thì để người dân trên địa bàn tỉnh vui xuân nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm, về phía cơ quan chuyên môn Bác sỹ có khuyến cáo gì?

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Dung: Chúng tôi khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

  • Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh. VD: cúm mùa, phế cầu, thủy đậu…
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, hòng hàng ngày;
  • Hạn chế tiếp xúc với người đang có dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp;
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần đi khám bệnh tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời;

PV: Xin cảm ơn bác sĩ với những thông tin hữu ích!

Quỳnh Trang (CDC QN)