Người vị thành niên có cần tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm?

Hiện nay, việc tiêm vắc xin phòng bệnh chủ yếu ở trẻ em. Tuy nhiên, người vị thành niên cũng cần bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc tiêm phòng.

Người vị thành niên ở lứa tuổi 11 đến 18 tuổi thường dễ nhạy cảm với nhiều loại bệnh truyền nhiễm, bởi: Môi trường hoạt động chủ yếu của nhóm tuổi này là nhà trường, nơi có sự tiếp xúc thường xuyên với đông người; Bản tính hiếu động do lứa tuổi làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với các tác nhân vi sinh gây bệnh và một số yếu tố nguy cơ khác; Là lứa tuổi mà miễn dịch có được do chương trình tiêm chủng mở rộng trước đó bắt đầu giảm đi hoặc đã suy giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Nhiều người ngộ nhận trẻ vị thành niên đã được tiêm hoàn tất các vắc xin phòng bệnh cần thiết trong những năm đầu đời, hoặc nhầm tưởng chỉ có trẻ nhỏ mới cần tiêm vắc xin. Điều này dẫn tới trẻ 12-17 tuổi có “khoảng trống miễn dịch”, cơ thể không được kích thích sản sinh kháng thể nên virus có thể tấn công gây bệnh bất cứ lúc nào.

Theo các chuyên gia, thời điểm trẻ quay trở lại trường học vào tiết đông – xuân là điều kiện thuận lợi để virus phát triển. Các bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm phổi, ho gà, bạch hầu, sởi – quai bị – rubella, viêm não Nhật Bản… có thể bùng phát, gây nhiều biến chứng nguy hiểm trước mắt và lâu dài. Trẻ lớn tuổi mắc bệnh sẽ nghiêm trọng hơn so với trẻ nhỏ. Hiện nay một số bệnh như thủy đậu, sởi… đang có xu hướng dịch chuyển từ độ tuổi nhỏ lên độ tuổi lớn hơn. Những điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập trong giai đoạn trẻ đang có bước nhảy vọt về tâm sinh lý và cả tương lai sau này.

Người vị thành niên cũng cần bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc tiêm phòng

Đặc biệt, vào cuối thời kỳ vị thành niên ( 18 tuổi) cũng là lứa tuổi trên thực tế có thể kết hôn hoặc có khả năng sinh sản, cần được bảo vệ bằng miễn dịch cho bản thân đối tượng cũng như con của họ.

Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiêm vắc xin là biện pháp được chứng minh có hiệu quả nhất. Khoảng 85-95% người được tiêm vắc xin sản sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể, giúp phá vỡ chuỗi lây nhiễm cộng đồng.

Các loại vắc xin được khuyến cáo nên sử dụng cho nhóm tuổi này là:

Vắc xin viêm gan B nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản ( vắc xin VGB) cho những người chưa tiêm đủ hoặc tiêm một liều nhắc lại nếu đã được tiêm theo lịch tiêm cơ bản hoặc theo chỉ định của bác sĩ để chủ động phòng vi rút viêm gan B.

Vắc xin sởi, quai bị rubella (MMR) nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản hoặc liều nhắc lại theo quy định. Liều nhắc lại có thể tăng cường miễn dịch cho phụ nữ khi bước vào tuổi sinh đẻ, truyền kháng thể cho con của họ khi mới sinh ra. Bệnh rubella nếu xảy ra trong thời kỳ mang thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà vô bào giảm liều (TD/Tdap) nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản hoặc liều nhắc lại theo quy định. Tiêm nhắc lại để dự phòng bệnh ở nhóm này do miễn dịch có được từ giai đoạn trẻ nhỏ đã suy giảm. Ngoài ra, liều tiêm nhắc có thể tăng cường miễn dịch cho phụ nữ khi bước vào tuổi sinh đẻ, truyền kháng thể cho thai nhi.

Vắc xin thủy đậu nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản hoặc liều nhắc lại theo quy định để phòng bệnh thủy đậu. Ngoài ra, còn có tác dụng tăng cường kháng thể cho phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ, truyền kháng thể phòng bệnh thủy đậu cho thai nhi.

Vắc xin HPV nên thực hiện lịch tiêm cơ bản gồm 3 mũi cho nữ vị thành niên và người trẻ tuổi, từ 10 đến 25 tuổi (Vắc xin Cervarix) hoặc từ 9 đến 26 tuổi ( vắc xin Gardasil). Mục đích nhằm dự phòng nhiễm vi rút human papillomavirus (HPV) gây ra ung thư cổ tử cung và những bệnh có liên quan đến HPV bao gồm loét hậu môn sinh dục.

Nữ vị thành niên và người trẻ tuổi nên tiêm vắc xin HPV nhằm dự phòng nhiễm vi rút human papillomavirus (HPV) gây ra ung thư cổ tử cung

Vắc xin cúm mùa nên tiêm nhắc lại vắc xin cúm mùa hàng năm vào trước mùa dịch, nhằm phòng ngừa bệnh cúm do các vi rút cúm mùa típ A, B. Đây là một bệnh rất phổ biến ở mọi lứa tuổi và có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu phụ nữ nhiễm cúm trong thời kỳ mang thai, đặc biệt vào 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.

Vắc xin não mô cầu nên thực hiện lịch tiêm cơ bản hay một liều tiêm nhắc lại theo quy định ở tuổi 11-12, nếu có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn não mô cầu.

Vắc xin là biện pháp phòng các bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất hiện nay. Chủ động đi tiêm phòng giúp bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và xã hội.

Hải Ninh – CDC