Xoắn khuẩn vàng da Leptospira là bệnh nhiễm trùng lây truyền từ động vật sang người do vi khuẩn hình xoắn Leptospira gây ra. Nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira là một bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiễm độc toàn thân, xuất huyết, suy gan thận dẫn đến nguy cơ tử vong cao cho người bệnh.

Xoắn khuẩn vàng da Leptospira xuất hiện trong nước tiểu, máu, nội tạng của các động vật gặm nhấm, gia súc, động vật bò sát, lưỡng cư trong đó chuột và các loài gặm nhấm là vật chủ quan trọng nhất. Xoắn khuẩn vàng da Leptospira xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương trên da, qua da ẩm ướt, qua màng nhầy của các bộ phận như mũi, miệng, hoặc do nuốt phải nguồn chứa mầm bệnh. Người bệnh mắc bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira khi các cơ quan như mắt, mũi, miệng hay các vết thương hở, vết thương bị trầy xước tiếp xúc nước tiểu, máu, dịch tiết, mô của động vật đang mang mầm bệnh hoặc lây bệnh qua các vết cắn của động vật mang vi khuẩn. Ngoài ra, người bệnh còn có thể mắc do người bệnh tiếp xúc với nguồn nước, đất bị ô nhiễm, bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh.


BSCKI Phạm Công Đức, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Xoắn khuẩn vàng da lây truyền từ động vật sang người với các thể lâm sàng đa dạng. Từ nhiễm khuẩn thể ẩn, thể nhẹ không có vàng da, không có biểu hiện viêm màng não đến các thể lâm sàng cấp tính, điển hình, vàng da nặng và có thể tử vong. Về biểu hiện lâm sàng của bệnh xoắn khuẩn vàng da thường thấy là bệnh nhân sốt cao đột ngột 39-40oC, rét run kéo dài khoảng 5 -7 ngày sau đó khỏi hẳn, hoặc là 2-5 ngày sau có sốt trở lại. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau cơ, nhất là cơ vùng bắp chân, vùng thắt lưng. Đau tự nhiên hoặc là đau tăng lên khi sờ, nắn, bóp. Có thể có hội chứng màng não, bệnh nhân đau đầu dữ dội, vật vã, mê sảng, cứng gáy, có biểu hiện viêm màng não nước trong và tăng tế bào Lympho khi chúng ta chọc dịch não tủy để làm xét nghiệm. Bệnh nhân có biểu hiện xung huyết ở màng tiếp hợp nên sẽ thấy mắt đỏ và da toàn thân đỏ, đôi khi là phát ban. Khi nặng sẽ gây ra hội chứng gan thận, bệnh nhân sẽ đái ít, diễn biến nặng sẽ vô liệu, xét nghiệm có Protein niệu và tăng urê huyết, vàng da, vàng mắt”.

Bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira là bệnh lý phổ biến gặp ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Các đối tượng dễ mắc bệnh là những người làm việc ngoài trời hoặc hay tiếp xúc với động vật như bác sĩ thú y, nông dân, nhân viên cống thoát nước, nhân viên giết mổ gia súc, người buôn bán gia súc gia cầm, thợ mỏ…Bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira là bệnh lý chỉ lây từ động vật hoặc nguồn bệnh sang người mà không lây từ người sang người.
Việc chẩn đoán bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira dựa vào việc thăm khám lâm sàng kết hợp với thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.
– Thứ nhất là, khám lâm sàng kiểm tra các triệu chứng của bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira. Các bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng mà người bệnh mắc phải để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác như sốt xuất huyết và đưa ra chỉ định xét nghiệm và điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.
– Hai là, xét nghiệm máu tìm nguyên nhân gây bệnh giúp xác định nguyên nhân và đánh giá diễn biến của bệnh như nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan đặc biệt trong trường hợp bệnh đã xuất hiện các biến chứng cấp tính.
– Ba là, nuôi cấy phân lập máu và các dịch tiết của người bệnh để tìm nguyên nhân chính xác hỗ trợ chẩn đoán của bác sĩ và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời cho người bệnh.
– Bốn là, chụp Xquang, siêu âm, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tìm tổn thương, biến chứng nhằm đánh giá đúng tình trạng của người bệnh để điều trị phù hợp.
Về điều trị bệnh xoắn khuẩn vàng da, BSCKI Phạm Công Đức chia sẻ: “Đối với bệnh xoắn khuẩn vàng da thì chúng ta cần phải phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt trong mọi trường hợp nghi ngờ và chẩn đoán xác định. Các bác sĩ sẽ kê các loại kháng sinh phù hợp với tình trạng của từng người bệnh. Khi bệnh nhân vào viện cũng sẽ được điều trị triệu chứng, ví dụ như là chúng ta sẽ truyền nước, hoặc là nếu chảy máu mất máu nhiều chúng ta sẽ truyền máu, cân bằng điện giải, trợ tim, hồi sức về hô hấp. Vớinhững trường hợp suy thận có thể chúng ta phải lọc máu nếu cần thiết”.
Để phòng ngừa bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da:
– Đối với gia súc gia cầm, động vật có nguy cơ gây bệnh cần tiêm vắc xin đầy đủ để phòng tránh bệnh. Vị trí nuôi nhốt cần được kiểm tra, vệ sinh thường xuyên, đảm bảo vật nuôi khỏe mạnh và được cách lý khi mắc bệnh. Với thú nuôi trong nhà, hãy nuôi nhốt vệ sinh, dạy chúng cách đi vệ sinh đúng chỗ và cho uống thuốc kháng sinh nếu vô tình mắc bệnh.
– Đối với người tiếp xúc: Cần có các biện pháp bảo hộ khi tiếp xúc với vật nuôi, thông báo và có các biện pháp xử lý, cách ly khi vật bị bệnh. Ngoài ra, người dân nên tự nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc tập thể dục thường xuyên, hạn chế sử dụng rượu bia, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và khoa học. Không bơi lội ở những vùng nước ô nhiễm, nghi ngờ có chứa nước tiểu động vật. Không nên uống nguồn nước chưa qua xử lý, lấy từ sông, hồ, ao, suối…Tránh tiếp xúc với động vật nuôi hoang dã, đặc biệt là những loài dễ nhiễm Leptospira như chó, ngựa, chuột, sóc…Mặc quần áo bảo hộ đầy đủ, nhất là găng tay, ủng khi làm việc để giảm nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn và nhiễm bệnh. Bảo vệ vết thương hở, che chắn kỹ lưỡng bằng băng gạc y tế không thấm nước. Uống thuốc kháng sinh điều trị dự phòng nếu bạn đi du lịch hoặc đến những nơi có nguy cơ nhiễm Leptospira cao. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần đi khám chuyên khoa để xác định bệnh và có biện pháp điều trị tốt nhất.
Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN