Với nhiều người, quá trình mang thai là cả một chặng đường dài với muôn vàn khó khăn. Một trong những khó khăn đó là mang thai ngoài tử cung. Tình trạng này không chỉ gây hại đối với thai nhi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này của mẹ.
Thông thường, mỗi chu kỳ, một trứng “chín” sẽ được buồng trứng giải phóng và đi đến vòi trứng hay còn gọi là ống dẫn trứng. Tại đây, trứng sẽ gặp tinh trùng và được thụ tinh (trường hợp không thụ tinh sẽ xuất hiện hành kinh). Sau khi thụ tinh, phôi hình thành và di chuyển đến tử cung, chui vào lớp nội mạc tử cung để làm tổ. Sau đó, phôi phát triển trong lòng tử cung cho đến khi em bé chào đời.
Thế nhưng, khi trứng đã được thụ tinh nhưng lại làm tổ và phát triển bên ngoài buồng tử cung thì được gọi là hiện tượng mang thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung có thể làm tổ ở nhiều bộ phận khác như buồng trứng, ổ bụng, vết sẹo mổ thai cũ… Trong số đó, có tới 95% thai làm tổ ở vòi trứng. Mang thai ngoài tử cung là một hiện tượng nguy hiểm vì túi thai không được buồng tử cung bảo vệ, dễ bị vỡ và chảy máu ồ ạt vào ổ bụng. Tình trạng này gây nguy hiểm đối với tính mạng của bà bầu nên cần đặc biệt lưu ý.
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng thai làm tổ ở vị trí khác buồng tử cung
Bà bầu mang thai ngoài tử cung cũng sẽ có những dấu hiệu mang thai thông thường như chậm kinh, đau bụng, căng tức ngực, buồn nôn…Kèm theo đó là một số dấu hiệu nguy hiểm, điển hình như: chảy máu âm đạo bất thường, đau bụng kéo dài kéo theo những cơn đau vùng chậu.
Có rất nhiều nguyên nhân gây mang thai ngoài tử cung, do yếu tố cơ địa hoặc chế độ sinh hoạt tác động. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Khoa Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ của thai ngoài tử cung là do: Viêm sinh dục, đặc biệt là do Chlamydia trachomatis; Tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng: tái tạo ống dẫn trứng, nối ống dẫn trứng sau triệt sản; Tiền sử thai ngoài tử cung; Hỗ trợ sinh sản: Kích thích rụng trứng, thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi; Bất thường giải phẫu ống dẫn trứng: Polyp, túi thừa…; Nội tiết tránh thai đường uống, tránh thai khẩn cấp thất bại, tiền sử phá thai, sẩy thai hay mổ lấy thai làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.”
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng không quá hiếm gặp và ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của sản phụ nên cần được theo dõi sát sao. Là phụ nữ, ai cũng có nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, một số đối tượng dưới đây có nguy cơ cao hơn cả có thể kể đến như: Phụ nữ có tiền sử chửa ngoài tử cung ở những lần mang thai trước; Phụ nữ bị bệnh viêm vùng chậu; Phụ nữ đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng chậu hay phẫu thuật vùng bụng trước đó; Phụ nữ mắc một vài bệnh lây qua đường tình dục; Phụ nữ lớn tuổi, mang thai muộn khi đã trên 35 tuổi; Phụ nữ hiếm muộn; Phụ nữ nghiện thuốc lá.
Theo các chuyên gia y tế, thai ngoài tử cung thường sẽ không thể phát triển bình thường do không có đủ chỗ trống và không có nhau thai để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Không những thế, nếu không được chữa trị sớm, phôi thai to dẫn và có thể gây vỡ vòi trứng. Khi thai ngoài tử cung bị vỡ sẽ gây nhiều nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa mạng sống của mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Khoa Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thăm khám cho bệnh nhân.
Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, có nhiều cách để chẩn đoán và phát hiện sớm thai ngoài tử cung, để có phương pháp điều trị và xử trí kịp thời. Bác sĩ Trang cho biết: “Những trường hợp nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể khám lâm sàng và chỉ định thai phụ thực hiện một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán, bao gồm:
Xét nghiệm: Bác sĩ có thể yêu cầu thai phụ thực hiện xét nghiệm máu để định lượng nồng độ hormone HCG (βhCG) trong cơ thể. HCG là hormone chỉ xuất hiện khi phụ nữ mang thai, do đó xét nghiệm này sẽ cho biết thai phụ có mang thai hay không. Tuy nhiên, chỉ với xét nghiệm này thì chưa thể cung cấp thông tin thai nằm trong hay ngoài tử cung.
Siêu âm: Đối với trường hợp nghi ngờ có thai, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm (đường âm đạo hoặc đường bụng) để xác định chính xác vị trí của thai nhi. Kết quả siêu âm cho thấy thai trong buồng tử cung hoặc hình ảnh túi thai nằm ở ống dẫn trứng, trong ổ bụng, góc sừng tử cung….. Thêm vào đó, phương pháp này còn giúp phát hiện và đánh giá tình trạng chảy máu trong trường hợp thai ngoài tử cung bị vỡ.
Nội soi ổ bụng: Nội soi ổ bụng chẩn đoán là phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán thai nằm ngoài tử cung một cách nhanh chóng và chính xác. Trong trường hợp thai ngoài tử cung, nội soi ổ bụng sẽ phát hiện được một bên ống dẫn trứng căng phồng, tím đen. Đó chính là khối thai ngoài tử cung.”
Thai ngoài tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt và duy trì sức khoẻ sinh sản tốt. Một số biện pháp hiệu quả phụ nữ có thể áp dụng như:
Quan hệ tình dục an toàn, hạn chế số lượng bạn tình: Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, giảm nguy cơ viêm vùng chậu và mang thai ngoài tử cung.
Không hút thuốc lá: Phụ nữ cần loại bỏ thói quen hút thuốc lá, cũng như hạn chế việc hút thuốc lá thụ động để giảm thiểu các nguy cơ thai ngoài tử cung.
Khám phụ khoa định kỳ, tầm soát STDs thường xuyên: Việc phát hiện và xử lý sớm các vấn đề bất thường hoặc các bệnh lý phụ khoa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Thanh Nga (CDC)