Những điều cần biết để xử trí với bệnh trĩ

Bệnh trĩ là một trong những tình trạng phổ biến nhất về hậu môn trực tràng ở nước ta song chưa được người dân quan tâm đúng mực, dẫn đến các trường hợp nghiêm trọng gây đau đớn và biến chứng cho bệnh nhân. Theo báo cáo thống kê từ Hội hậu môn, trực tràng Việt Nam, có khoảng 35-50% người bị mắc trĩ nội. Số nữ mắc trĩ nội nhiều hơn nam giới (chiếm khoảng 61%). Tuy nhiên, số nam giới mắc trĩ cấp độ nặng (trĩ độ 3,4) lại chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ giới.

Bệnh trĩ còn gọi là bệnh lòi dom, xảy ra khi các tĩnh mạch ở trực tràng dưới hoặc hậu môn bị sưng, giãn. Tình trạng này gây khó chịu, đau đớn và bất tiện cho cuộc sống của người bệnh.

Bệnh nhân bị trĩ ngoại

Khi trĩ nhô ra, chúng trông giống như vết sưng hoặc một cục u nhỏ. Thường chỉ đến khi bệnh trĩ gây ra đau đớn, ảnh hưởng nhu động ruột hoặc làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày mới được phát hiện để điều trị.

Tuỳ theo nguồn gốc giải phẫu và vị trí hình thành, người ta có thể phân loại bệnh trĩ.

BSCKI Bùi Minh Cường, Trưởng khoa Ngoại – Phụ, Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh cho biết: “Trĩ phân loại gồm có 2 thể loại chính là: trĩ nội và trĩ ngoại. Ngoài ra còn có một hình thái nữa là trĩ hỗn hợp. Thứ nhất đối với trĩ nội, trĩ nội là một búi trĩ xuất phát từ phía trên đường lược, búi trĩ được bao phủ bởi lớp niêm mạc và biểu mô chuyển tiếp. Trĩ ngoại là búi trĩ xuất phát từ dưới đường lược, hay còn gọi là đường hậu môn trực tràng. Búi trĩ này được bao phủ bởi lớp biểu mô vảy và nằm bên dưới lớp da và bao quanh hậu môn. Ba là trĩ hỗn hợp là một thể loại phức tạp của bệnh trĩ của bệnh nhân, có bao gồm cả trĩ nội và trĩ ngoại khi hệ thống mạch liên thông với nhau tạo nên trĩ hỗn hợp và xen kẽ với nhau”.

Hình ảnh trĩ hỗn hợp

Bất kỳ yếu tố nào gây áp lực lên hậu môn hoặc trực tràng đều có thể khiến các tĩnh mạch giãn ra. Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ phổ biến có thể gây bệnh trĩ bao gồm: Rặn khi đi cầu; tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính; không đi cầu thường xuyên; đứng lâu hoặc ngồi lâu, đặc biệt là ngồi lâu khi đi cầu; thường xuyên bê vác nặng; thừa cân béo phì; đang mang thai; chế độ ăn thiếu chất xơ; sử dụng quá nhiều thuốc nhuận tràng; lớn tuổi; cha hoặc mẹ từng mắc bệnh trĩ; hoặc quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Bệnh trĩ sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu các yếu tố gây ra bệnh trĩ vẫn còn tiếp tục, ví dụ như tiêu chảy, táo bón, căng thẳng khi đi cầu hoặc ngồi lâu.

Theo quan niệm cổ điển, trĩ là tình trạng bị giãn tĩnh mạch vùng hậu môn và trực tràng. Có 4 triệu chứng bệnh trĩ thường gặp nhất, đó là:

– Đi ngoài ra máu: Đi ngoài ra máu, thường là máu đỏ tươi – là triệu chứng thường gặp nhất và là lý do khiến bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế khám bệnh. Bệnh trĩ không phải luôn luôn đi ngoài ra máu. Nhiều người bị bệnh trĩ mà không có triệu chứng này. Vì vậy đây là một dấu hiệu cho thấy bạn có tình trạng này, nhưng không chắc chắn bạn nói.

Có cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn.

Đau rát hậu môn: Cảm giác này có thể chỉ xuất hiện cao điểm trong và sau khi đi vệ sinh, hoặc có thể âm ỉ suốt cả ngày, đặc biệt là khi ngồi, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh.

Đi ngoài thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn. Búi trĩ có thể tự động thụt lên (bệnh ở độ một, 2) hoặc phải dùng tay đẩy lên (bệnh ở độ 3) hoặc không thể đẩy vào bên trong ống hậu môn (trĩ ở độ 4). Trĩ sa độ một, 2 ít gây phiền hà hơn, từ độ 3 trở đi khiến người bệnh cảm thấy khó chịu khi đi đứng và làm việc nặng, trong khi đó, trĩ sa độ 4 khiến bệnh nhân vô cùng bất tiện trong các hoạt động hằng ngày.

Các triệu chứng của bệnh trĩ này đều xuất hiện vào giai đoạn sớm nhưng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác ở hậu môn. Vì vậy, bệnh nhân không nên chủ quan, cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.

Tuỳ vào mức độ của bệnh trĩ mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. BSCKI Bùi Minh Cường cho biết: Hiện nay, đối với Bệnh viện Y Dược cổ truyền Quảng Ninh, chúng tôi có rất nhiều phương pháp, phải căn cứ vào độ trĩ, thể trĩ và điều kiện của người bệnh mà chúng tôi sẽ chọn ra phương pháp phù hợp nhất đối với bệnh nhân. Đơn cử phương pháp sử dụng vòng cao su, đối với trĩ nội đơn múi hoặc 2 múi, tuỳ thuộc vào thời gian cũng như hiệu quả của mỗi bệnh nhân, tôi thấy ưu điểm của phương pháp này là ngắn ngày điều trị, thủ thuật nhanh không đau, ít gây nên sự sợ hãi cho bệnh nhân. Ngay sau khi thủ thuật, bệnh nhân về nhà sinh hoạt nhẹ nhàng hoặc là trở lại công việc cơ quan một cách nhẹ nhàng.

Tiếp nữa là thủ thuật tiêm xơ, thực hiện trên búi trĩ nội độ 2,3. Nguyên lý đưa thuốc vào gốc búi trĩ gây xơ hoá búi trĩ và làm cầm máu cố định búi trĩ không sa ra ngoài. Thủ thuật cũng đơn giản, bệnh nhân làm xong có thể về sinh hoạt nhẹ nhàng. Phương pháp nữa là chúng tôi sẽ sử dụng khâu treo, khâu triệt mạch và treo búi trĩ bằng phương pháp của tác giả người Ý, thường áp dụng với trĩ nội các độ. Nguyên lý là dưới hướng dẫn của máy siêu âm Dopler dò mạch, chúng tôi tìm được gốc của búi trĩ, đánh dấu gốc búi trĩ và khâu triệt mạch, triệt nguồn nuôi và treo búi trĩ lên. Ưu điểm là dưới sự hỗ trợ của máy Dopler thì phẫu thuật viên có thể biết đích xác vị trí của gốc búi trĩ và từ đó khâu triệt mạch nguồn nuôi. Bởi thế can thiệp ít xâm lấn, tôn trọng những cấu trúc giải phẫu và tổ chức đệm của ống hậu môn.

Tất cả những việc làm trên ít ảnh hưởng đến phản xạ tiết phân, cũng như tổn thương sau này của bệnh nhân. Với trĩ ngoại tắc mạch và huyết khối, trĩ hỗn hợp có thể kết hợp điều trị nội khoa, điều trị bảo tồn bằng thuốc sắc uống, những bài thuốc cổ truyền và thuốc ngâm búi trĩ, kết hợp với phẫu tích lấy huyết khối. Còn đặc biệt đối với trĩ hỗn hợp chúng tôi có thể sử dụng phương pháp Milligan Morgan để phẫu tích toàn bộ búi trĩ, tiến sát sâu búi trĩ, khâu qua búi trĩ và cắt bỏ đính búi trĩ vào, để ngỏ và chăm sóc búi trĩ sau này”.

Phẫu thuật cắt trĩ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Quảng Ninh

Bệnh trĩ có thể diễn ra vào một giai đoạn hoặc kéo dài suốt cuộc đời. Có những người từng bị trĩ mà không hề biết mình mắc bệnh. Hầu hết người bệnh chỉ tới thăm khám khi búi trĩ đã phát triển lớn, gây cọ xát, chảy máu, đau đớn. Song việc điều trị trĩ ở giai đoạn 4 sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều do trĩ lâu ngày đã phát sinh nhiều biến chứng như: thiếu máu, trĩ sa nghẹt, tắc mạch, viêm loét, nhiễm trùng hoặc nguy hiểm hơn có nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.

Để phòng tránh bệnh trĩ, BSCKI Bùi Minh Cường khuyến cáo: “Trước mắt tôi phải nói rằng là trong nhân dân vẫn có những quan điểm chưa được đúng lắm là không ăn để rồi ít đại tiện, để đỡ nhiễm khuẩn vết thương, vết mổ. Tuy nhiên cách đó chưa hề đúng, ngay sau khi phẫu thuật trĩ chúng tôi đã cho bệnh nhân phải ăn uống giàu chất xơ, giàu dinh dưỡng để làm sao phân được nhuận, kích thước khối phân đi qua hậu môn phải đủ lớn để tránh hẹp hậu môn sau này và bệnh nhân uống đủ nước. Sau khi về, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân nên duy trì chế độ ăn uống giàu chất xơ, uống đủ nước, tập luyện mỗi ngày, đặc biệt là các bài tập để tập co bóp vùng trực tràng. Và loại bỏ những yếu tố nguy cơ tôi nói ban đầu để phòng bệnh sau này, đó là không ăn đồ cay nóng quá nhiều, bớt uống rượu bia, đặc biệt là khối văn phòng nên có chế độ vận động hợp lý, tránh tình trạng ngồi làm việc quá lâu, có thể 1-2 giờ chúng ta đi lại một chút uống đủ nước và chế độ ăn đủ rau xanh, giàu chất xơ làm sao để tránh bệnh nhân bị táo bón, tiêu chảy. Đây là những nguy cơ mà tôi lưu tâm nhất”.

Ngoài việc phòng tránh bệnh trĩ, người dân nên đến các cơ sở y tế khám khi thấy có các biểu hiện nguy cơ. Trước khi đi khám cần vệ sinh cơ thể, nhất là vùng hậu môn sạch sẽ, không nên sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn như bia rượu và chuẩn bị giấy tờ hoặc hồ sơ bệnh án liên quan để cung cấp cho bác sĩ trong quá trình thăm khám. Để tránh tình trạng bị đau bụng và đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác khi khám thì nên nhịn ăn.

Trĩ không phải là căn bệnh mới nhưng nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Vì vậy, mỗi người dân cần có sự quan tâm nhất định để hạn chế tối đa mắc bệnh.

Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN