Những điều cần biết về bệnh viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B là mối đe doạ sức khoẻ toàn cầu và là bệnh nhiễm trùng gan phổ biến nhất thế giới. Ở giai đoạn mãn tính, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như xơ gan, suy gan hay ung thư gan. Mỗi năm, có gần 1 triệu người tử vong vì viêm gan B và các bệnh lý liên quan.

Viêm gan siêu vi B (hay viêm gan B) là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra, thuộc nhóm các bệnh truyền nhiễm phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 400 triệu người mắc bệnh viêm gan B mạn tính, trong đó 75% là người Châu Á. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm HBV cao nhất thế giới chiếm khoảng 15 – 20% dân số, tức khoảng 10 – 14 triệu người với biểu hiện viêm gan B cấp và mạn tính. Nguyên nhân chính gây bệnh viêm gan B được xác định là do virus viêm gan siêu vi B (gọi tắt là HBV), có khả năng lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục, mẹ truyền sang con với khả năng lây nhiễm cao gấp 10 lần so với virus HIV.

Virus viêm gan B là nguyên nhân chính gây bệnh viêm gan siêu vi B ở người trưởng thành

Chia sẻ về những nhóm đối tượng có nguy cơ cao và một số dấu hiệu nhận biết tình trạng bệnh, bác sĩ Tô Phương Anh, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Uông Bí cho biết: “Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn: Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh, những người tiêm chích ma tuý hoặc dùng chung bơm kim tiêm, người có quan hệ tình dục với bệnh nhân viêm gan B hoặc quan hệ đồng giới nam, những người sống chung với người bị viêm gan B, nhân viên y tế, người bị tiểu đường, chạy thận nhân tạo, người nhiễm virus viêm gan C hoặc HIV.

Về dấu hiệu nhận biết, viêm gan B được chia làm hai giai đoạn cấp và mạn tính, tuỳ theo tình trạng và giai đoạn bệnh mà có những triệu chứng khác nhau:

Với giai đoạn cấp tính: Triệu chứng sẽ tương tự như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, sụt cân, ăn không ngon, ngứa. Có thể nặng hơn với triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, vàng móng, đau bụng, đau cơ khớp, nước tiểu có màu vàng sậm.

Với giai đoạn mãn tính: Đa phần người bệnh thấy hoàn toàn bình thường. Một số sẽ có các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn thoáng qua nhưng cuối cùng là có nguy cơ dẫn đến những bệnh lý gan nguy hiểm.”

Các giai đoạn tiến triển của bệnh viêm gan nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời

Số lượng người tử vong trên thế giới do các biến chứng của viêm gan ngày càng tăng, chủ yếu là xơ gan và ung thư gan. Xơ gan là tình trạng gan không thể phục hồi do các tế bào gan bị tấn công, hoại tử hình thành các mô sẹo. Xơ gan có thể gây tử vong vì các biến chứng như nhiễm khuẩn, hôn mê gan, vỡ tĩnh mạch thực quản,…Bên cạnh đó, ung thư gan được coi là biến chứng nặng nề nhất của viêm gan mãn tính, tỷ lệ tử vong cao 50 – 70% trong 5 năm. Virus HBV một khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh sẽ tồn tại suốt đời và cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu loại bỏ virus này ra khỏi cơ thể. Có nhiều phương pháp để điều trị viêm gan siêu vi B, tuỳ thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh.

Theo đó, nếu nghi ngờ mình đã tiếp xúc với virus viêm gan B và không chắc bản thân đã được tiêm phòng hay chưa, người bệnh cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ để được tiêm globulin miễn dịch trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc với virus giúp dự phòng và hạn chế sự phát triển của bệnh. Đối với những bệnh nhân điều trị viêm gan siêu vi B cấp tính, nếu là tình trạng cấp tính thường, viêm gan B chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và có thể tự khỏi. Do đó, thay vì điều trị bằng các phương pháp y khoa, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng virus hoặc nhập viện để ngăn ngừa các biến chứng.

Đối với giai đoạn muộn của bệnh là những người được chẩn đoán viêm gan B mãn tính thì cần phải điều trị suốt đời. Việc điều trị giúp giảm nguy cơ biến chứng ở gan nguy hiểm và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Một số phương pháp điều trị nhiễm trùng gan mãn tính thường được sử dụng như:

Thuốc ức chế sao chép virus viêm gan B: Có thể giúp người bệnh chống lại virus và làm chậm khả năng gây hại cho gan. Hai loại thuốc cơ bản hiện nay là Entecavir 0,5mg, Tenofovir (gồm 2 loại TDF300mg và TAF25mg). Các thuốc này được sử dụng theo đường uống.

Thuốc tiêm interferon: Có tác dụng kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt virus và các tế bào bị virus xâm nhập. Thuốc tiêm interferon có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn, khó thở…

Ghép gan: Trường hợp gan đã bị tổn thương nghiêm trọng (xơ gan giai đoạn cuối), bác sĩ có thể đề nghị ghép gan để điều trị tình trạng này. Ghép gan là việc thay thế một phần hoặc toàn bộ lá gan hư hỏng của người bệnh bằng gan khỏe mạnh.

Dù ở giai đoạn nào của bệnh thì việc điều trị cũng tương đối khó khăn và tốn kém, do đó chủ động phòng bệnh là việc hết sức cần thiết. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phương Anh cho biết: “Viêm gan B chia làm nhiều giai đoạn và không phải trường hợp nào cũng cần dùng thuốc điều trị, tuỳ từng trường hợp và cơ địa của người bệnh sẽ có phác đồ điều trị phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, cách phòng ngừa viêm gan siêu vi B tốt nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh sớm và đầy đủ. Bên cạnh đó, để phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B, cần kiểm soát đường lây nhiễm như: Quan hệ tình dục an toàn, tránh tiếp xúc với máu của người bệnh khi da hoặc niêm mạc bị trầy xước, không dùng chung bơm, kim tiêm và các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo, đồ cắt móng tay,…

Viêm gan B là loại bệnh về gan thường gặp nhất trên thế giới. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có vắc xin để phòng ngừa. Để bảo vệ sức khoẻ bản thân và những người xung quanh hãy chủ động tiêm vắc xin và khám sức khoẻ định kỳ, thực hiện các yêu cầu và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để chủ động dự phòng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Mạnh Hùng (CDC)