Hiện nay, bệnh lao không còn là chứng bệnh nan y do đã có thuốc điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, công tác phòng, chống lao vẫn phải đối mặt với không ít trở ngại khi tình trạng bệnh lao kháng thuốc đang có chiều hướng gia tăng.
Lao kháng thuốc là tình trạng người bệnh mang vi khuẩn lao nhưng vi khuẩn đó không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng lao. Đây là thể bệnh cực kỳ nguy hiểm trong các thể bệnh của lao với những tác dụng phụ tổn hại trầm trọng đến sức khỏe người bệnh. Hiện nay trong cộng đồng có rất nhiều người bị lao kháng thuốc, nhưng chưa được điều trị và những người này là nguồn lây lan lao kháng thuốc cho những người khỏe mạnh khác trong cộng đồng.
Vi khuẩn lao kháng thuốc có thể do tiên phát hoặc thứ phát. Lao kháng thuốc tiên phát là những chủng vi khuẩn kháng thuốc ở bệnh nhân lao chưa có tiền sử điều trị lao trước đó hoặc điều trị lao chưa được một tháng. Lao kháng thuốc mắc phải là kháng thuốc xuất hiện ở bệnh nhân đã điều trị trên 1 tháng.
Lao kháng thuốc là tình trạng bệnh mà vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao
Bệnh nhân lao kháng thuốc trong quá trình điều trị lao thì các triệu chứng như sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi lại xuất hiện với các triệu chứng tăng lên, bệnh nhân liên tục sụt cân. Một số bệnh nhân lao kháng thuốc có xét nghiệm AFB dương tính liên tục hoặc âm tính một thời gian rồi dương tính trở lại hoặc dương tính, âm tính xen kẽ. Kháng sinh đồ cho kết quả kháng các thuốc chống lao hàng 1 và hoặc thuốc tiêm hàng 2. Tổn thương trên X-quang không có nhiều khác biệt với bệnh nhân lao thông thường.
Mắc bệnh lao thông thường đã khó điều trị, lao kháng thuốc còn khó điều trị hơn rất nhiều do vi khuẩn lao khi đã kháng thuốc gần như sẽ kháng hầu hết các loại kháng sinh điều trị lao thông thường. Nếu không phát hiện sớm, việc điều trị cho bệnh nhân lao kháng nước sẽ trở nên rất khó khăn và bản thân bệnh nhân trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Việc mắc lao kháng thuốc sẽ khiến người bệnh đối mặt với tình trạng sức khỏe trầm trọng cùng với việc điều trị tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc.
Tại Việt Nam mỗi năm phát hiện thêm khoảng 130.000 người nhiễm bệnh lao, trong đó khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc (con số này mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện), số ca tử vong vì lao mỗi năm lên tới 18.000 người. Việt Nam đứng thứ 12/22 nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao và là 1 trong 27 nước có nhiều bệnh nhân lao kháng thuốc.
Bệnh nhân khám lao tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh
Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, các nguyên nhân gây ra bệnh lao kháng thuốc gồm có: Bệnh nhân không thực hiện điều trị đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa lao; Bệnh nhân uống rượu bia, hút thuốc lá cũng sẽ làm giảm tác dụng của thuốc… dẫn tới lao kháng thuốc; Do thầy thuốc điều trị không đúng (phối hợp thuốc không đúng, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc không đúng, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc không đúng cách…), hoặc khi bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ không có hiểu biết về chuyên khoa ở phòng khám tư; Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể mắc bệnh lao kháng thuốc từ trước khi điều trị (hít phải vi khuẩn lao kháng thuốc từ nguồn bệnh trong cộng đồng). Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng gia tăng lao kháng đa thuốc có thể do chính quần thể vi trùng lao đột biến, vì vi trùng lao là loại vi trùng dễ đột biến, dễ thay đổi cấu trúc để chống lại thuốc lao. Ngay cả khi bệnh nhân được điều trị đúng cách và tuân thủ tốt việc dùng thuốc thì vi trùng lao vẫn có khả năng tìm cách chống lại thuốc lao.
Tại Quảng Ninh, Bệnh viện Phổi hiện đang điều trị liên tục cho khoảng hơn 50 bệnh nhân lao kháng thuốc. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành điều trị chỉ ở mức trung bình, nguyên nhân chủ yếu là do phía bệnh nhân không kiên trì tuân thủ đúng phác đồ, thời gian điều trị.
Bác sĩ Bùi Thị Minh Thư, Khoa Nội 1, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh cho biết: Bệnh lao thường chỉ cần chữa trong 6 tháng với tỷ lệ khỏi cao tới 91%, nhưng với lao kháng thuốc, phác đồ tiên tiến nhất cũng phải kéo dài 9 tháng mà tỷ lệ khỏi chỉ 75%, thậm chí đối với lao đa kháng thuốc phác đồ còn kéo dài từ 19 – 24 tháng với những thuốc có nhiều độc tính, gây tổn hại đến sức khỏe, vì vậy bệnh nhân thường khó tuân thủ. Một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy khỏe và không có triệu chứng gì, cho rằng đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ điều trị mà không biết rằng vi trùng lao sống rất “dai”, sau một thời gian “ẩn mình” và tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ hoạt động gây bệnh trở lại, kháng lại các thuốc lao cũ. Bên cạnh đó, thuốc lao cũng thường gây nhiều tác dụng phụ khó chịu, vì vậy nhiều bệnh nhân tự ý bỏ điều trị giữa chừng mà không đến tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc. Với những bệnh nhân lao siêu kháng thuốc, vi khuẩn lao kháng luôn cả với những thuốc lao thế hệ 2, nên việc điều trị vô cùng khó khăn.
Tuân thủ phác đồ điều trị giúp tăng tỷ lệ khỏi bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc
Hiện nay, các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Nếu được điều trị đúng thì tỷ lệ khỏi ở nhóm bệnh nhân không kháng thuốc lên tới trên 90%, ở nhóm bệnh nhân kháng đa thuốc là 70%. Tuy nhiên điều kiện tiên quyết là bệnh nhân phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế trong điều trị hằng ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Đối với người mắc bệnh lao thông thường (chưa phải kháng thuốc) cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, có thể gặp một số yếu tố bất lợi do thuốc gây nên như: dị ứng, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, thị lực, thính lực, xương khớp…, người bệnh cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phối hợp kịp thời, tránh tình trạng bỏ điều trị giữa chừng làm phát sinh lao đa kháng thuốc, tiền siêu kháng, hoặc siêu kháng thuốc, dẫn đến hậu quả nặng nề.
Quỳnh Trang (CDC QN)