Phẫu thuật bơm xi măng cột sống điều trị gãy xẹp đốt sống do thoái hóa

Xẹp đốt sống do thoái hóa là một trong những biến chứng thường gặp những người mắc bệnh loãng xương, phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi, gây đau cột sống nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, phương pháp bơm xi măng vào cột sống là một trong những kỹ thuật tiên tiến đang được áp dụng rộng rãi trong việc điều trị tình trạng xẹp đốt sống.

Xi măng sinh học là vật liệu được ứng dụng ngày càng phổ biến trong y học do tính chất vật lý đặc biệt. Vật liệu này gồm 2 thành phần chủ yếu là PMMA/MMA-styren copolymer và MMA dạng lỏng, có khả năng tương thích với mô sinh học. Khi trộn hai thành phần này với nhau sẽ xảy ra quá trình trùng hợp gốc tự do, đông cứng do quá trình polymer hóa (phản ứng tỏa nhiệt).

Đây là một phương pháp điều trị ứng dụng rộng rãi với những ưu điểm vượt trội như: Giảm đau ngay lập tức ngay sau khi thực hiện thủ thuật; Thời gian nằm viện ngắn;Cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, giúp họ quay trở lại sinh hoạt ngày thường mà không cần dùng thêm thuốc hoặc những phương pháp phục hồi chức năng khác; Người bệnh di chuyển bình thường sau thủ thuật, nhờ đó tránh biến chứng viêm phổi, loét tì đè, thuyên tắc mạch chi dưới…do nằm lâu. Đây là thủ thuật an toàn, ít biến chứng và hiệu quả cao.

Điển hình, ngày 04/04/2025 vừa qua, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã phẫu thuật bơm xi măng sinh học trong điều trị xẹp đốt sống do thoái hóa thành công cho bệnh nhân H.T.Đ, 81 tuổi.

Được biết bệnh nhân Đ vào viện vì đau cột sống ngực, hạn chế vận động cột sống. Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI cột sống cho thấy: Bệnh nhân bị xẹp thân đốt sống ngực D12 do thoái hóa.

Ngay sau đó các bác sĩ đã hội chẩn lãnh đạo và thống nhất phẫu thuật bơm xi măng sinh học qua đường ngoài cuống vào thân đốt sống. Kíp phẫu thuật được thực hiện do BSCKII Lục Chiến Thắng, Trưởng khoa Khám bệnh; các bác sĩ Trương Văn Hải, Nguyễn Trung Kiên – Khoa Ngoại Tổng hợp cùng các cộng sự đã tiến hành kỹ thuật chọc kim qua chân cung D12 vào thân đốt sống, dưới sự hướng dẫn của máy C-Arm. Sau đó, bơm Ciment vào thân đốt sống D12. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 20 phút. Sau 8 giờ hậu phẫu, bệnh nhân sức khỏe ổn định, đi lại được.

Hình ảnh thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân

BSCKII Lục Chiến Thắng cho biết: “Xẹp đốt sống là biến chứng nguy hiểm của bệnh thoái hóa, rất phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi hoặc những người bị chấn thương cột sống. Khi một người bị loãng xương hay chấn thương, xương khớp thường trở nên suy yếu và đẩy nguy cơ gãy xương tăng cao. Nếu người bệnh không phát hiện và điều trị sớm, lâu ngày cột sống có thể bị biến dạng, đốt sống xẹp lún gây ra những cơn đau nhức ảnh hưởng đến chức năng của cột sống và khả năng vận động của người bệnh. Phẫu thuật bơm xi măng sinh học qua cuống đốt sống để điều trị xẹp đốt sống ở bệnh nhân cao tuổi kèm thoái hóa có nhiều ưu điểm như thời gian phẫu thuật ngắn, kĩ thuật gây tê tại chỗ, trong quá trình tiến hành kỹ thuật bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, bệnh nhân có thể ngồi dậy đi lại sớm, giúp giảm thiểu tối đa các nguy cơ hậu phẫu ở người cao tuổi như viêm phổi loét tì đè, mất máu và nhiễm trùng vết mổ”.

Theo nghiên cứu, thông thường phương pháp bơm xi măng có thể giúp bệnh nhân duy trì hoạt động bình thường trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 năm. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tốc độ loãng xương (đặc biệt là ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh), mức độ tập thể dục, chế độ dinh dưỡng và loại xi măng được sử dụng.

Sau khi thực hiện bơm xi măng cột sống, bệnh nhân cũng cần lưu ý: Tái khám theo đúng lịch hẹn, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng đau bất thường nào thì cần đi khám ngay. Người bệnh có thể ăn uống bình thường và không cần kiêng cữ gì. Thường xuyên đo lại mật độ xương và điều trị loãng xương theo đúng liệu trình. Đặc biệt, ở người cao tuổi bị loãng xương, khi đốt sống đã được bơm xi măng trở nên vững chắc thì các đốt sống lân cận trở nên yếu hơn và dễ bị xẹp hơn. Cố gắng giữ an toàn trong những hoạt động sinh hoạt và làm việc thường ngày, tránh các nguy cơ té ngã hoặc va đập làm ảnh hưởng đến cột sống.

Có thể nói, việc triển khai thành công kỹ thuật bơm xi măng sinh học tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên giúp cho bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên, được hưởng các dịch vụ y tế hiện đại ngay tại địa phương, giảm đáng kể thời gian và chi phí điều trị.

Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN