Phòng bệnh hen phế quản khi thời tiết thay đổi

Hen phế quản là tên gọi khác của hen suyễn, một bệnh mạn tính đường hô hấp với đặc trưng là những cơn hen cấp tính. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là khi thời tiết giao mùa và có thể gây tử vong nếu không được theo dõi, xử trí kịp thời.

Bệnh hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có khoảng 300 triệu người mắc hen phế quản mỗi năm trong đó tỷ lệ mắc trung bình ở trẻ em từ  8 – 11%, còn ở người lớn là 5 – 16,3%. Việt  Nam hiện chưa có số liệu về dịch tễ hen phế quản chính xác trong cả nước; ước tính miền Bắc tỷ lệ mắc hen phế quản trung bình 6% (người lớn 3.55%, trẻ em 11.87%) và từ 1961 đến nay tỷ lệ này đã tăng khoảng hơn 3 lần.

Sự khác nhau giữa đường thở của người bình thường với người bệnh hen suyễn, hen phế quản

Chia sẻ về nguyên nhân của bệnh hen phế quản, bác sĩ CKI. Phạm Thị Út Trang – Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Có rất nhiều tác nhân khởi phát cơn hen phế quản trong đó các tác nhân dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất. Có thể kể đến như:

– Dị nguyên đường hô hấp: thường là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn…

– Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (tôm, cá, sò…), trứng, thịt gà, lạc.

– Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin…

– Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amiđan… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.

– Bên cạnh đó là các tác nhân không dị ứng như di truyền (Gia đình có người bị hen phế quản); Yếu tố tâm lý (tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý)…

– Hen phế quản thường có một số triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan hoặc buồn ngủ. Triệu chứng khi phát bệnh phổ biến nhất là ho, khó thở thành cơn về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Cơn khó thở kéo dài 5-15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Sau đó giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đờm dãi. Khi thở ra, có tiếng cò cử mà người khác cũng có thể nghe thấy.

Một cơn hen phế quản điển hình thường trải qua 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn khởi phát: Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm, nhất là nửa đêm về sáng; thời gian xuất hiện tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tiếp xúc dị nguyên hô hấp, thức ăn, gắng sức, không khí lạnh, nhiễm vi rút đường hô hấp trên,… Các triệu chứng đầu tiên như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, ho từng cơn, bồn chồn… nhưng không phải lúc nào cũng có.

Giai đoạn lên cơn: Cơn khó thở xảy ra, khó thở chậm. Trong cơn hen, lồng ngực người bệnh căng ra, các cơ hô hấp nổi rõ, có thể có tím ở đầu tay chân sau đó lan ra mặt và toàn thân. Nhịp thở chậm, tiếng thở rít kéo dài. Đứng xa có thể nghe tiếng rít hay khò khè của người bệnh. Cơn khó thở dài hay ngắn sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người.

Giai đoạn lui cơn: Sau vài phút hay vài giờ, cơn hen giảm dần, người bệnh ho khạc đờm rất khó khăn, đờm đặc quánh, có nhiều hạt nhỏ như hạt trai. Lúc này nghe phổi phát hiện được nhiều ran ẩm, một ít ran ngáy. Khạc đờm nhiều báo hiệu cơn hen đã hết.

Bác sĩ CKI. Phạm Thị Út Trang – Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân hen phế quản cấp

Hen phế quản rất nguy hiểm, trong nhiều trường hợp có thể gây đột tử do bệnh diễn biến nhanh. Người bệnh khi lên cơn hen không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể. Nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc không được bác sĩ can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến thiếu oxy lên não, hôn mê, mất ý thức. Trong vài phút, người bệnh có thể tử vong. Do đó những loại thuốc có tác dụng nhanh chóng luôn được các bác sĩ khuyên dùng như albuterol (Ventolin HFA, ProAir HFA,…). Trong trường hợp trẻ em hoặc những người gặp vấn đề khi sử dụng dạng hít, xịt có thể sử dụng dạng khí dung. Việc sử dụng thuốc nên lặp lại sau 20p nếu tình trạng khó thở không giảm. Trường hợp bệnh diễn biến nặng kèm các biểu hiện co kéo cơ liên sườn và hõm ức khi người bệnh thở; môi, đầu chi tím; cánh mũi phập phồng khi người bệnh thở; khó nói, khó đi lại… thì cần gọi ngay cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời.

Hen phế quản là bệnh liên quan nhiều đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống nên những bệnh nhân hen phế quản luôn phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là khi giao mùa, thời tiết lạnh hoặc thay đổi đột ngột dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm… làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp. Để chủ động phòng ngừa bệnh bác sĩ Trang khuyến cáo: “Người bệnh hen phế quản nên tránh xa thuốc lá và những khu vực nhiều khói thuốc, hạn chế đến những nơi bị ô nhiễm không khí; Vệ sinh vật dụng cá nhân như chăn ga gối đệm thường xuyên, hạn chế sử dụng các vật dụng có nguy cơ trở thành “ổ” bụi như rèm cửa, thảm lau nhà…; Không nuôi chó, mèo, chim cảnh và các con thú khác trong nhà; Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm nonsteroid để hạn chế tác dụng phụ của thuốc; Chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, vắc xin phòng COVID-19; Đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ nặng – nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp”.

Hen phế quản có thể kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng đều đặn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Chủ động dự phòng bệnh vì sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Thanh Nga (CDC)