Chủ động phòng ngừa tình trạng tự tử

Ngày Thế giới Phòng chống tự tử (10-9) hàng năm là một sáng kiến của Hiệp hội Phòng chống tự tử quốc tế (IASP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là cơ hội đặc biệt để các tổ chức, cá nhân truyền thông, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về tác hại từ hành vi tự tử, đồng thời thúc đẩy các quốc gia hành động để ngăn chặn việc thực hiện hành vi này.

Hiện nay, tình trạng tự tử có xu hướng gia tăng trong cộng đồng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 800.000 người tử vong do tự tử, cứ 40 giây lại có một người tự tử. Tại Việt Nam, trầm cảm khiến gần 40.000 người Việt tự tử mỗi năm, con số này gấp 4 lần số ca tai nạn giao thông tử vong và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế – xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tự tử

Trầm cảm: Trầm cảm là lý do hàng đầu dẫn đến tự tử. Trầm cảm nặng luôn đi kèm cảm giác bất lực tin rằng bản thân không thể thoát ra khỏi nỗi đau khổ. Bệnh nhân bị dày vò bởi suy nghĩ “Thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi” và cuộc sống của họ trở nên bế tắc. Thông thường người bị trầm cảm chịu đựng âm thầm rồi lên kế hoạch tự sát mà không để cho ai biết.

Trầm cảm lâu ngày có thể là nguyên nhân gây tự tử (Ảnh minh họa)

Tâm thần phân liệt: Tỷ lệ người bị tâm thần phân liệt chỉ chiếm 1% dân số thế giới song thường rơi vào những cá nhân vốn khỏe mạnh, đạt thành tích cao. Căn bệnh này khó che giấu hơn trầm cảm nhưng gây ra hậu quả nặng nề không kém. Bệnh nhân bị thôi thúc bởi tiếng nói trong đầu sẽ tự kết liễu hoặc làm hại ai khác. 

Phụ thuộc vào chất kích thích: Người nghiện rượu, ma túy, đặc biệt là ma túy đá rất dễ tự sát. Họ trở nên bốc đồng, không kiểm soát được hành động của bản thân dưới tác dụng của chất kích thích. Nguy hiểm hơn, nhiều bệnh nhân nghiện không được nhập viện khiến việc theo dõi gặp khó khăn.

Không tìm được sự giúp đỡ: Một số cá nhân cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp một cách vô vọng. Họ vốn không muốn chết nhưng lại thất bại trong việc cảnh báo cộng đồng xung quanh. Những người này thường chọn các phương pháp mà họ cho là không gây hại để thu hút sự chú ý nhưng rồi dẫn đến những hậu quả thương tâm. Ví dụ, một thiếu nữ Mỹ tử vong do uống thuốc ho sau khi bất đồng với bố mẹ và người yêu. Cô bé vốn chỉ muốn hù dọa người thân mà không biết quá nhiều thuốc này sẽ dẫn đến suy gan.

Một lý tưởng triết học: Hành vi tự sát có thể đến từ suy nghĩ muốn làm chủ số phận. Những người ra đi vì lý do này không bị trầm cảm, tâm thần phân liệt hay bất lực tìm kiếm sự giúp đỡ. Quyết định của họ thường nảy ra trong hoàn cảnh mắc một chứng bệnh nan y mà không có hy vọng sống sót. Họ suy nghĩ cẩn thận và muốn mình có thể kiểm soát, chấm dứt nỗi đau.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ tự tử bao gồm:

– Trải qua một sự kiện gây sốc.

– Tiền sử gia đình có người bị rối loạn tâm thần, lạm dụng thuốc hoặc từng tự tử.

– Bạo lực gia đình, bị lạm dụng về thể xác hoặc tinh thần.

– Bị giam cầm, cô lập.

– Tiếp xúc với hành vi tự tử của người khác hoặc từng tự tử nhưng không thành.

Nhiều vấn đề đồn nén có thể là nguyên nhân dẫn đến tự tử (Ảnh minh họa)

Người có ý nghĩ tự tử có những biểu hiện gì? 

Trước khi phòng ngừa, cần phải dự đoán trước nguy cơ có thể xảy ra tự tử. Những nỗ lực của việc phòng ngừa tự tử thường ít thành công nếu như không được dự đoán từ trước. Sau đây là những dấu hiệu thường gặp nhất của một cá nhân :

– Có dấu hiệu của trầm cảm: buồn chán, hay mệt mỏi, giảm các hứng thú các thói quen cũ, lo lắng, tuyệt vọng, ý nghĩ bị tội, bất tài vô dụng, nghĩ mình xấu xa, mất ngủ. Cần đặc biệt chú ý những trường hợp mất ngủ kéo dài, thờ ơ với bản thân hoặc xung quanh, nghĩ mình đầy tội lỗi, xấu xa, nghĩ mình mắc bệnh nặng.

– Có các dấu hiệu của hoang tưởng, ảo giác: nghe thấy có tiếng nói trong đầu; nghĩ có người gắn chip điều khiển, theo dõi, làm hại,đầu độc; nghĩ có người xui khiến, ma quỷ, thánh thần nhập; thấy ma quỷ, người chết,…

– Lo âu quá nhiều.

– Có ý định tàng trữ, cất dấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát: tích thuốc ngủ, dấu dao, chuẩn bị dây,…

– Đột ngột có những hành vi bất thường: dặn dò người thân con cái; mặc quần áo, tắm rửa sạch sẽ dù không có kế hoạch ra ngoài; tự  nhiên trò chuyện vui vẻ với mọi người sau thời gian dài không giao tiếp với xung quanh. Các dấu hiệu này thường đi kèm với các biểu hiện của trầm cảm trước đó. 

Một số lưu ý khi giúp đỡ người có ý định tự tử

– Hãy nói một cách chân thành cho họ hiểu bạn rất quan tâm tới họ và họ không cô đơn.

– Lắng nghe họ và khuyến khích họ trút nói ra, trút bỏ những nỗi đau, sự giận dữ. Hãy điềm tĩnh, chấp thuận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói.

– Tạo niệm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng căng thẳng, trầm cảm chỉ là tạm thời, xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa.

– Tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè của họ; liên lạc với các chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội, nhân viên y tế để họ có các biện pháp trị liệu phù hợp.

– Hãy chủ động và tự tin vào khả năng giúp đỡ, cứu chữa của bạn sẽ ngăn chặn được tự tử, chủ động gọi điện hoặc tới thăm người có ý định tự tử để giúp đỡ họ.

– Khuyến khích họ thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan, như lôi kéo họ vào các hoạt động thể dục thể thao, ăn, ngủ điều độ, không sử dụng các chất kích thích.

– Cung cấp cho họ những thông tin, địa chỉ cần thiết để khi gặp khó khăn bế tắc họ có thể liên lạc tìm kiếm sự giúp đỡ.

– Di chuyển họ tránh xa những đồ vật có thể giúp tự tử như dao, kéo, nhà cao tầng, thuốc ngủ….

– Tiếp tục theo dõi, giúp đỡ họ kể cả khi họ nói không còn ý tưởng tự tử nữa. Họ rất cần sự gần gũi, giúp đỡ của mọi người xung quanh để cần bằng cuộc sống.

Điều quan trọng để chủ động phòng ngừa tự tử là mỗi chúng ta không ngừng quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng để tránh rối nhiễu tâm trí và các bệnh tâm thần.

Đối với những trường hợp phụ thuộc vào chất kích thích hoặc bị các chứng bệnh về tâm thần thì gia đình cần đưa sớm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để có phác đồ theo dõi, điều trị phù hợp.

Ngọc phượng, Mạnh Hùng- CDC Quảng Ninh