Sốt vàng da là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh. Do đó, nhận biết và điều trị bệnh sớm chính là cách phòng ngừa biến chứng và giảm khả năng lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh.
Sốt vàng là một bệnh truyền nhiễm thường thấy nhất ở các vùng Nam Mỹ và châu Phi. Khi truyền sang người, virus sốt vàng có thể gây hại cho gan và các cơ quan nội tạng khác gây tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy thận, trụy tim mạch, vàng da vừa hoặc nặng, sốc nhiễm khuẩn, và có khả năng gây tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 200.000 trường hợp mắc bệnh sốt vàng trên toàn thế giới mỗi năm, khiến 30.000 trường hợp tử vong. Sốt vàng dường như đang gia tăng trên toàn cầu do khả năng hệ miễn dịch của con người suy giảm, nạn phá rừng, biến đổi khí hậu và đô thị hóa mật độ cao. Hiện nay tại Việt Nam chưa có dịch sốt vàng diễn ra, tuy nhiên với điều kiện sẵn có tác nhân truyền bệnh là muỗi vằn Aedes, loại muỗi này thường hoạt động vào lúc sáng sớm và chiều khi trời chạng vạng. Chúng sinh sống ở những vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm hoặc những nơi có ao tù nước đọng, nước dư thừa ở đáy các vật chứa…
1. Nguyên nhân gây bệnh sốt vàng da
Theo các chuyên gia y tế, virus thuộc họ Flaviviridae được xác định là nguyên nhân chính gây bệnh sốt vàng da ở người. Người khỏe có thể bị lây nhiễm từ người bệnh thông qua vết muỗi đốt. Trong đó, muỗi vằn họ Aedes và một số loại muỗi khác chính là những vật trung gian có thể gây lây nhiễm bệnh. Người khỏe mạnh có thể bị lây nhiễm nếu tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tiếp xúc với những vật dụng cá nhân của người bệnh hoặc có thể lây qua đường máu, dùng chung bơm kim tiêm.
Virus Flaviviridae gây tổn thương gan nghiêm trọng và dẫn đến biểu hiện vàng da
Con người không thể truyền bệnh sốt vàng trực tiếp cho nhau qua thông qua tiếp xúc thông thường, các vật dụng thường ngày, nhưng có thể truyền bệnh trực tiếp vào máu thông qua kim tiêm. Ngoài ra, người ta còn phát hiện ra một số loài muỗi khác nhau có thể truyền virus sốt vàng. Chúng thường có mặt khắp nơi, nhiều nhất là ở những khu rừng nhiệt đới, truyền bệnh cho khỉ – đây cũng là một vật chủ cho căn bệnh này giống như con người.
Bệnh thường xảy ra nhiều nhất vào mùa mưa, khí hậu nóng (nhiệt độ trung bình trên 20 độ C), khi loài muỗi Aedes phát triển mạnh. Ở khu vực bệnh lưu hành, mọi chủng đều có thể nhiễm virus sốt vàng, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất.
Mùa mưa hay mùa nóng là thời điểm muỗi Aedes phát triển mạnh và cũng là giai đoạn dễ bùng phát dịch sốt vàng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em, người lớn tuổi, người làm những công việc có nguy cơ tiếp xúc với muỗi và dễ bị muỗi đốt là những nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
2. Triệu chứng của bệnh sốt vàng da
Khi virus tấn công vào cơ thể có thể gây tổn thương gan. Do đó, 2 triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là tình trạng sốt và vàng da. Thông thường, bệnh nhân sẽ trải qua các giai đoạn như sau:
– Thời gian ủ bệnh: Sau khi nhiễm virus, người bệnh có thể trải qua thời kỳ ủ bệnh trong vòng 3 đến 6 ngày. Muỗi Aedes có chứa mầm bệnh sẽ có khả năng truyền bệnh suốt đời.
– Thời kỳ khởi phát bệnh: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, vàng da nhẹ. Bên cạnh đó là rất nhiều triệu chứng như rét run, đau nhức cơ toàn thân, đau đầu, mặt đỏ, buồn nôn và nôn, mạch yếu, bạch cầu máu ngoại vi giảm.
– Giai đoạn toàn phát: Người bệnh bị chảy máu mũi, nôn ra máu hoặc phân lẫn máu. Ở một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị tổn thương các cơ quan nội tạng như tình trạng suy gan, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn,… Nếu không khắc phục kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
3. Biến chứng của bệnh sốt vàng da
Ở một số trường hợp, sốt vàng da có thể kéo dài khoảng 1 tuần. Sau đó, người bệnh cần khoảng vài tuần đến vài tháng để phục hồi. Những trường hợp này thường không bị tổn thương nội tạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong thời gian này, bệnh nhân có thể bị vàng da và luôn cảm thấy mệt mỏi. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có nguy cơ bị mê sảng, co giật, suy đa tạng,… Trong giai đoạn phục hồi có thể xảy ra tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi, nhiễm trùng máu,… ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
4. Phương pháp chẩn đoán bệnh sốt vàng da
Ở giai đoạn đầu, sốt vàng da dễ bị nhầm với một số bệnh khác như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm gan hay tình trạng ngộ độc.
Đối với một trường hợp có biểu hiện nghi ngờ bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ về triệu chứng, thông tin về hoạt động du lịch trong thời gian gần đây. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm máu. Thông qua xét nghiệm máu có thể phát hiện virus gây bệnh trong máu hoặc các kháng thể hay chất đặc hiệu cho virus.
Xét nghiệm máu là phương pháp thông dụng và phổ biến để chẩn đoán vàng da
5. Phương pháp điều trị sốt vàng da
Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh sốt vàng da. Phần lớn các phương pháp điều trị đều nhằm mục đích cải thiện triệu chứng của người bệnh, chẳng hạn như giảm sốt, phòng ngừa suy gan, xuất huyết, mất nước, đau cơ và chống dị ứng,…
Căn bệnh này có nguy cơ xuất huyết, nên người bệnh cần tránh dùng các loại thuốc chống viêm và thuốc aspirin và các thuốc chống viêm. Chỉ những trường hợp xảy ra bội nhiễm vi khuẩn mới cần dùng đến thuốc kháng sinh. Với những trường hợp nặng thì bệnh nhân cần nhập viện sớm để được điều trị hiệu quả hơn.
Lưu ý, khi người bệnh sốt cao có thể thực hiện một số biện pháp giúp cơ thể nhanh chóng thoát nhiệt như lau mát, mặc quần áo rộng và thấm hút.
6. Phòng chống sốt vàng da bằng những cách nào?
Sốt vàng da là căn bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng phức tạp mà còn có thể khiến người bệnh gặp phải những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Do đó, chủ động phòng ngừa bệnh luôn là vấn đề cần thiết. Chia sẻ về một số khuyến cáo trong phòng bệnh, bác sĩ Tô Phương Anh, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Cẩm Phả cho biết: “Có rất nhiều biện pháp để phòng ngừa bệnh, trong đó nên tập trung:
– Tiêm phòng: Hiện nay, vắc xin Stamaril của Pháp là loại vắc xin phòng ngừa sốt vàng da rất hiệu quả. Bạn chỉ cần tiêm một liều duy nhất, có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người từ 60 tuổi trở lên. Thông thường, vắc xin Stamaril không gây ra tác dụng phụ. Sau tiêm, người bệnh có thể bị đau, sưng đỏ ở vết tiêm hoặc có thể bị sốt nhẹ hay có cảm giác buồn nôn.
Những trường hợp nên tiêm phòng là:
+ Người từng đi tới hoặc sinh sống tại những vùng dịch bệnh.
+ Người đến các quốc gia cần có giấy chứng nhận Tiêm chủng Quốc tế tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sốt vàng da để hoàn thành thủ tục nhập cảnh.
+ Các trường hợp có nguy cơ cao bị sốt vàng da do đặc thù nghề nghiệp.
Những trường hợp không nên tiêm vắc xin sốt vàng da:
+ Mẹ bầu, phụ nữ đang cho con bú.
+ Các trường hợp bị dị ứng với thịt gà, trứng gà hay các thành phần có trong vắc xin.
+ Các trường hợp bị rối loạn hay suy giảm chức năng tuyến ức.
+ Suy giảm hệ miễn dịch do nhiễm HIV hay đang điều trị ung thư,…
– Phòng tránh muỗi đốt bằng các biện pháp sau:
+ Không nên tham gia các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm hoạt động mạnh của muỗi.
+ Nếu phải đến vùng có nhiều muỗi thì nên mặc áo dài, quần dài.
+ Nếu khu vực sinh sống của bạn có nhiều muỗi thì nên dùng lưới chống muỗi và thuốc diệt muỗi.
– Tăng cường kiểm dịch y tế để phát hiện và xử lý kịp thời những ca nghi mắc bệnh.
Thanh Nga (CDC)