Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bạch hầu. Vì vậy cần rà soát lịch tiêm vắc xin để bổ sung kịp thời.
Theo thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa, chiều ngày 5/8, trên địa bàn huyện Mường Lát, Thanh Hóa mới phát hiện một bệnh nhân là thai phụ ở huyện vùng cao Mường Lát, Thanh Hóa mắc bệnh bạch hầu, chưa rõ nguồn lây nhiễm. Hiện ngành y tế Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Bệnh bạch hầu là căn bệnh nguy hiểm, bởi nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng như suy hô hấp, tổn thương thận, tổn thương cơ tim, tổn thương thần kinh,… Bệnh có tỷ lệ tử vong khoảng 5 – 10%, thậm chí có thể lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ mắc phải bệnh lý này thì có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe mẹ bầu, đặc biệt là đối với sức khỏe của thai nhi và gây ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ sơ sinh khi chào đời, để lại rất nhiều biến chứng nặng nề, có khả năng dẫn tới tử vong ở trẻ.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Anh (Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh) cho biết, tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu và tiêm nhắc lại theo thời gian khuyến cáo là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất hiện nay. Hiệu quả của các loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong việc bảo vệ người tiêm chống lại bệnh bạch hầu đã được nghiên cứu và chứng minh là rất cao, có thể lên đến 95% trong khoảng thời gian 10 năm. Đó là lý do người trưởng thành được khuyến cáo tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh bạch hầu sau mỗi 10 năm để duy trì hiệu quả bảo vệ người tiêm khỏi sự lây nhiễm bệnh bạch hầu từ mũi tiêm gần nhất. Cơ thể chỉ cần 2 – 3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh.
Tất cả mọi người dù là trẻ em hay người lớn, dù có ở bất kỳ độ tuổi nào cũng nên chủng ngừa bệnh bạch hầu. Đối với bà mẹ mang thai, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe thai kỳ và trẻ nhỏ. Đồng thời, bổ sung kháng thể cho người mẹ trong suốt quá trình mang thai. Từ đó, hỗ trợ cho quá trình sinh nở an toàn, em bé chào đời khỏe mạnh hơn.
Bà mẹ mang thai cần tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu để bảo vệ sức khỏe thai kỳ và trẻ nhỏ
Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thậm chí là phụ nữ đang mang thai vẫn được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong 3 tháng cuối của thai kỳ để kháng thể sản sinh từ người mẹ có thể truyền thụ động sang thai nhi, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh bạch hầu trong vài tháng đầu đời cho đến khi đủ tuổi để tiêm vắc xin.
Tại Việt Nam, chỉ vắc xin Boostrix (phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván) do Bỉ sản xuất được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ mang thai tốt nhất ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.
Vắc xin Boostrix (Bỉ) được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ mang thai
Một số lưu ý mà mẹ bầu cần nắm khi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà đó là:
– Cần tiêm vắc xin phòng bạch hầu – uốn ván – ho gà ở tam cá nguyệt 2 hoặc tam cá nguyệt 3 của thai kỳ (từ 3 tháng giữa của mỗi thai kỳ). Do đó, mẹ bầu cần chủ động lên lịch thăm khám, tiêm chủng cho phù hợp.
– Vắc xin Boostrix (phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván) do Bỉ sản xuất được coi là an toàn cho phụ nữ mang thai và cả thai nhi. Nó sẽ không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy vậy, vẫn có một số tác dụng phụ nhẹ có thể xảy ra đó là: Đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi,…
– Mẹ bầu nên thăm khám và sàng lọc, nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa trước khi tiêm chủng.
– Chọn cơ sở tiêm chủng uy tín, đảm bảo vắc xin chất lượng để giữ an toàn cho sức khỏe của bản thân và thai nhi.
– Ngoài ra, trước khi tiêm chủng, nếu mẹ bầu có bất kỳ dị ứng nào với thành phần của vắc xin, mắc các bệnh lý khác hoặc gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào trước khi tiêm thì cần báo kỹ càng cho bác sĩ biết. Để từ đó bác sĩ tư vấn hướng khắc phục cho phù hợp, an toàn.
– Mẹ bầu cũng nên lưu ý, trước khi tiêm vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván, nên lựa chọn trung tâm tiêm chủng uy tín, đảm bảo chất lượng vắc xin để bảo vệ sức khỏe của bản thân và thai nhi.
Quỳnh Trang (CDC QN)