Quảng Ninh quyết tâm phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm với tinh thần “Sớm một bước, cao hơn một mức”

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh (UBND) đã ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 28/4/2023 về Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm thường gặp so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016 – 2020; Khống chế, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh truyền nhiễm trong tỉnh, không để dịch bệnh nhất là các dịch bệnh mới nổi, tái nổi lây lan bùng phát góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Năm 2022, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt. Từ đầu dịch COVID-19 cho đến nay ghi nhận 361.463 ca mắc COVID-19 (228 ca nhập cảnh, 361.235 ca nội địa), tử vong 163 ca. Tính riêng năm 2022, toàn tỉnh có 357.899 ca mắc COVID-19 (111 ca nhập cảnh, 357.788 ca nội địa), chiếm 99,01% tổng số ca mắc tích lũy từ đầu vụ dịch đến nay. Số ca mắc COVID-19 đã giảm dần trong 04 tháng gần đây và hiện chỉ ghi nhận một vài ca mắc rải rác trong tuần.

UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 28/4/2023 về Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023

Bên cạnh COVID-19, trong năm qua, một số bệnh dịch có chiều hướng gia tăng như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM). Toàn tỉnh ghi nhận 921 ca sốt xuất huyết (trong đó có 803 ca dương tính), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (457 ca). 119 ổ dịch SXH (tập trung chủ yếu tại các địa phương đông dân cư như Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) được chỉ đạo và xử lý kịp thời, không ghi nhận trường hợp tử vong. Tay chân miêng ghi nhận 346 ca mắc lâm sàng, trong đó 3 ca dương tính với virus đường ruột. Số mức tăng so với năm 2021 (31 ca mắc). Thủy đậu có 175 ca mắc (giảm 54,4% so với năm 2021); quai bị có 27 ca mắc, giảm so với 2021 (40 ca).

Các dịch bệnh lưu hành khác (dại, liên cầu lợn, viêm não vi rút) không ghi nhận ca mắc hoặc chỉ ghi nhận các ca mắc rải rác, không có trường hợp tử vong. Tỉnh bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sau sinh. Ngoài ra, đối với các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, tái nổi như: Đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân, MERS-CoV, cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người (A/H5M1, A/H5N6) và cúm A/H7N9 trên người… không ghi nhận các trường hợp mắc.

Dự báo tình hình dịch bệnh năm 2023 trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch (PCD) bệnh truyền nhiễm, tổ chức triển khai chủ động, hiệu quả công tác PCD, bệnh truyền nhiễm, nhất là với dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân; Tăng cường hiệu quả các hoạt động phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra giám sát các hoạt động tại địa phương; Bố trí kinh phí, đảm bảo nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác PCD.

UBND tỉnh yêu cầu Ngành Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và vắc xin trong chương trình TCMR đảm bảo an toàn, hiệu quả

Đối với Ngành Y tế, cần tiếp tục bám sát, cập nhật diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản điều chỉnh, quy định, hướng dẫn, chỉ đạo đôn đốc các đơn vị, địa phương trong công tác PCD; Triển khai hiệu quả kế hoạch tiêm vắc xin năm 2023: đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, đặc biệt cho nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi, nhóm nguy cơ cao và trẻ em, đồng thời, thực hiện tốt chương trình tiêm chủng vắc xin mở rộng (TCMR), thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong TCMR, đặc bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong TCMR đạt ít nhất 95% quy mô cấp xã trên phạm vi toàn quốc.

Nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tình hình dịch bệnh, năng lực chẩn đoán sớm, điều trị các bệnh truyền nhiễm cho các tuyến, đảm bảo thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, biến chứng; Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập vào địa bàn tỉnh; Đảm bảo kinh phí, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại địa phương; Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh.

Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh.

Cùng với đó, Ngành Y tế cần tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm từ tuyến tỉnh đến địa phương, xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức để đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; Thúc đẩy việc nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở; đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến.

Quỳnh Trang (CDC Quảng Ninh)